Chiều ngày 22-9, NHNN công bố tăng 100 điểm cơ bản đối với một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt, đồng thời mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4%/năm lên 5%/năm áp dụng từ ngày 23-9.
Ngay sau đó, lãi suất huy động “dậy sóng”. Nhiều NHTMCP đã lập tức điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức trần 5%/năm và tăng 0,3-1% ở các kỳ hạn dài. Trong đó đáng chú ý, NH số Cake by VPBank đang áp dụng lãi suất 8,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng với mức gửi từ 300 triệu đồng, MSB huy động tiền gửi online kỳ hạn 12 tháng ở mức 8%/năm.
Mới đây nhất, NH Bản Việt huy động chứng chỉ tiền gửi với lãi cuối kỳ ở mức 7,5%/năm kỳ hạn 6 tháng, 7,8%/năm kỳ hạn 9 tháng, 8%/năm kỳ hạn 12 tháng và 8,2%/năm kỳ hạn 15 tháng và 8,4%/năm kỳ hạn 18 tháng. Hiện mức lãi suất từ 6-12 tháng ở nhiều NH đang dao động từ 7-7,5%/năm.
Tiếp bước các NHTMCP, các NHTM có vốn nhà nước cũng đã tham gia vào “cuộc đua” lãi suất trên thị trường đưa lãi suất cao nhất ở kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức 4,4%/năm. Không chỉ tăng lãi suất, các nhà băng còn đang tung ra các chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất để thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư.
Dù vậy, thanh khoản của NHTM vẫn có dấu hiệu rất căng thẳng. Tại ngày 23-9, lãi suất bình quân liên NH đã có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn qua đêm ở mức 4,7%/năm, 1 tuần ở mức 4,96%/năm, 1 tháng ở mức 5,5%/năm, 3 tháng 5,65%/năm, 6 tháng 7,56%/năm, 9 tháng 7,54%/năm.
Đến ngày 30-9, lãi suất liên NH lại tiếp tục tăng mạnh. Lãi suất qua đêm lên mức 4,93%/năm, 1 tuần 5,48%/năm, 2 tuần 5,59%/năm, 1 tháng 6,29%/năm, 3 tháng 7,21%/năm, 6 tháng 7,93%/năm, 9 tháng 8,8%/năm. Như vậy, lãi suất liên NH hiện cao hơn cả lãi suất huy động trên thị trường 1.
Trong phiên 4-10, lãi suất tiếp tục biến động mạnh khi có những giao dịch chào vay tiền đồng qua đêm với lãi suất gần chạm mức 8%/năm. Hoạt động hút tiền về thông qua kênh phát hành tín phiếu của NHNN trong phiên 3-10 cũng thất bại trong khi ở chiều ngược lại, các NH đã hút khoảng 3.000 tỷ đồng qua kênh cầm cố với lãi suất lên đến 6,3%/năm.
Trước đó, số liệu Tổng cục Thống kê cho biết, đến thời điểm 20-9, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 và tăng 4,95% so với cùng kỳ năm 2021. Huy động vốn của các TCTD tăng 4,04%, cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%. Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54%, cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17%. Như vậy, tốc độ tăng tín dụng đang gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn, con số này cho thấy sự lệch pha rất lớn, cũng là lý giải cho sự căng thẳng kể trên.