Lãi suất giảm nhanh: Gửi thiệt, vay chưa có lợi

Hôm nay 11-6, trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ kỳ hạn từ 1-12 tháng đã chính thức giảm xuống 9%/năm, đặc biệt tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên đã được NHNN cho phép thả nổi lãi suất. Theo đó trần lãi suất cho vay cũng giảm từ 14% xuống 13%/năm. Những động thái này là tín hiệu tích cực giúp cơ cấu lại dòng vốn theo kỳ hạn và lãi suất hợp lý với cung cầu vốn của từng NHTM. Tuy nhiên thực tế xu thế trần lãi suất và cho vay giảm vẫn chưa tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng hiện nay.

Hôm nay 11-6, trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ kỳ hạn từ 1-12 tháng đã chính thức giảm xuống 9%/năm, đặc biệt tiền gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên đã được NHNN cho phép thả nổi lãi suất. Theo đó trần lãi suất cho vay cũng giảm từ 14% xuống 13%/năm. Những động thái này là tín hiệu tích cực giúp cơ cấu lại dòng vốn theo kỳ hạn và lãi suất hợp lý với cung cầu vốn của từng NHTM. Tuy nhiên thực tế xu thế trần lãi suất và cho vay giảm vẫn chưa tác động nhiều đến tăng trưởng tín dụng hiện nay.

Lãi suất sẽ theo lạm phát mục tiêu

Chính sách của NHNN giảm lãi suất huy động mạnh thêm 2% sau đợt giảm 1% liên tiếp có tính đến tác động lên thị trường khác, nhất là thị trường ngoại hối? Nếu NHNN không có giải pháp can thiệp làm tỷ giá leo thang, tình trạng rút tiền ra khỏi hệ thống NHTM của khu vực tư nhân sẽ tăng vọt. Khi tỷ giá căng thẳng sẽ buộc dự trữ ngoại tệ phải can thiệp, làm đô la hóa trong nền kinh tế. Nguy hại nhất khi tỷ giá tăng là làm hàng hóa nhập khẩu gia tăng, từ đó đẩy kỳ vọng lạm phát tăng.

TS. LÊ ĐẠT CHÍ

Điểm đáng chú ý nhất ở chính sách của NHNN là việc thả nổi lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo cung vốn từng NHTM đã nhận được sự đồng thuận của các NHTM và các chuyên gia NH, bởi không chỉ tạo ra sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các NHTM mà còn hướng người dân gửi kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn, NH có dòng tiền ổn định.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, đây là một bước đi tiến bộ cho thấy thị trường tiền tệ đã được kiểm soát, thanh khoản của các NHTM sẽ được cải thiện.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn vẫn có rủi ro bởi còn những NHTM huy động lãi suất cao, nhất là với những NHTM nhỏ buộc hút vốn tiền gửi từ nay đến cuối năm. Do vậy vẫn tạo ra cuộc chạy đua lãi suất ở các NHTM.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất kỳ hạn 12 tháng trở lên cao hay thấp còn tùy vào cung cầu vốn của từng NHTM, trong điều kiện hiện nay không NHTM nào dám huy động lãi suất cao, bởi NHNN sẽ điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu.

Lạm phát mục tiêu Quốc hội thông qua năm nay khoảng 7-8%, dự kiến năm tới cũng chỉ khoảng mức đó, nên NHNN sẽ cung tiền theo lạm phát kết hợp với chính sách tài khóa để đảm bảo lạm phát khoảng 7-8%/năm. Dự báo lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng cao nhất không quá 12%/năm.

VNĐ vẫn còn hấp dẫn

Với việc hạ trần lãi suất bằng VNĐ kỳ hạn 1-12 tháng xuống 9%/năm, nhiều ý kiến cho rằng giảm như vậy là hơi nhanh, nhưng chủ yếu gây áp lực lên người gửi tiền là chính.

Theo TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, với các nước trên thế giới, khi quy định mức lãi suất thấp có nghĩa là các NH trung ương bơm tiền ra để duy trì lãi suất cam kết ở mức thấp, tức cung tiền mở rộng.

Trần lãi suất tiền gửi đã chính thức giảm xuống 9%/năm. Ảnh: CAO THĂNG

Trần lãi suất tiền gửi đã chính thức giảm xuống 9%/năm. Ảnh: CAO THĂNG

Còn ở Việt Nam, lãi suất giảm bằng mệnh lệnh hành chính, quy định người gửi tiền nhận ít lãi suất hơn, chứ không phải NHNN bơm thêm tiền ra nền kinh tế duy trì lãi suất thấp như cam kết.

Điều này cho thấy tác động lãi suất là người gửi tiền. Người gửi tiền tiếp tục gửi thì không đáng lo, hay rút tiền để chi tiêu, đầu tư mở rộng kinh doanh cũng phù hợp với mong muốn của NHNN khi giảm lãi suất, nhưng hiện nay người dân và doanh nghiệp rút tiền ra chưa chắc chi tiêu, đầu tư kinh doanh bởi còn tùy thuộc vào triển vọng của nền kinh tế, khi có dự án tốt, cơ hội tốt thì mới đi đầu tư.

Do vậy không loại trừ người gửi tiền rút tiền chuyển sang những cơ hội đầu tư khác (ngoại tệ, vàng…) chứ không phải sang tiêu dùng, đầu tư như mong muốn của Chính phủ.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, không cần quá lo về vấn đề này bởi giá vàng hiện nay biến động mạnh, có ngày tới 5%, người dân sẽ không còn mặn mà với kênh vàng; giá USD từ đầu năm đến nay tăng không quá 2%, hiện nay khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa USD và VNĐ vẫn còn cao.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi USD chỉ 2%/năm, từ đầu năm tỷ giá tăng 1-2%/năm, nếu cho tăng thêm 2% từ nay đến cuối năm, cộng lại tất cả cũng chỉ 6%/năm, trong khi lãi suất tiền gửi VNĐ 9%/năm vẫn lợi và không gây áp lực lên tỷ giá.

Người gửi cũng có thể hưởng lãi suất VNĐ cao hơn nếu chọn kỳ hạn dài. Bởi điều hành lãi suất của NHNN và cam kết của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô nên sẽ duy trì lạm phát ở mức thấp dưới 1 con số, lãi suất 9%/năm là 1 con số nên gửi kỳ hạn dài có lợi hơn. Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, nếu người dân chuyển qua mua chứng khoán càng tốt, tuy gián tiếp nhưng là hiệu ứng tích cực nhất của việc giảm lãi suất.

Lãi suất cho vay chưa thể giảm

Ông Đỗ Minh Toàn, Phó Tổng giám đốc ACB, cho rằng trần lãi suất cho vay hạ xuống 13%/năm nhưng các NHTM chưa thể hạ ngay lãi suất cho vay xuống 13%/năm. Bởi lãi suất huy động có độ trễ khoảng từ 20 ngày đến 1 tháng, huy động ngày hôm nay nhưng mai chưa cho vay được. Do vậy có thể các NHTM sẽ tìm cách trì hoãn, chỉ cho vay đối với một số ngành nghề đặc biệt ưu tiên, còn đa phần giảm chậm lại.

“Không phải hạ lãi suất là để các doanh nghiệp vay vốn, mà để những doanh nghiệp đang vay nợ giảm chi phí tài chính thấp xuống, còn doanh nghiệp có vay thêm hay không tùy thuộc nhiều vào khả năng đầu ra.

Nếu doanh nghiệp làm được hàng, tiêu thụ được mới đi vay, vay để mua trữ mà không bán được cũng không có ý nghĩa. Điều các doanh nghiệp đang sợ nhất là không tiêu thụ được hàng hóa khi sức mua giảm.

Thí dụ, muốn ngành xi măng có thể vay vốn để trữ hàng và sản xuất ít nhất đầu ra của ngành này phải có, ngành này sản xuất được ngành khác mới có cơ hội tăng trưởng. Vì vậy, Chính phủ phải kích cầu như bỏ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội giúp nền kinh tế lưu thông vốn mạnh hơn” - ông Toàn nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, một phó tổng giám đốc OCB cho rằng việc giảm lãi suất có thể làm tăng dư nợ nhưng không nhiều. Hiện nay các ngành ưu tiên lãi suất thấp như xuất khẩu cũng đang khó khăn.

Các NHTM muốn đẩy mạnh tín dụng dễ nhất là cho vay mua sắm bất động sản, mua nhà để ở, nhưng thị trường bất động sản “đóng băng” nên NH khó cho vay. Hơn nữa, hiện nay khả năng quay vòng vốn của nền kinh tế thấp, hàng hóa bán ra chậm, nên doanh nghiệp không mặn mà vay vốn.

Trong khi đó, theo một chuyên gia NH, trong hoạt động NH thực ra không phải huy động 9%/năm thì cho vay 12%/năm, mà phải hòa nguồn vốn với nhiều lãi suất khác nhau.

Hiện nay nợ quá hạn của NH tăng, điều đó đồng nghĩa đồng vốn chết của NH tăng lên nên khả năng thu lãi thấp, buộc các NHTM giữ lãi suất cao để lấy số vốn cho vay ít ỏi còn lại để quay vòng tạo ra lãi nhằm hoàn trả tổng số vốn đã huy động, trong đó có một phần là nợ quá hạn. Chính điều này là rào cản làm lãi suất cho vay giảm chậm.

Các tin khác