Lãi suất giảm nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn 'ngán' vay?

(ĐTTCO) - Ngày 25-7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.
Lãi suất giảm nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn 'ngán' vay?

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV, thời gian qua, NHNN đã có những nỗ lực chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp như giảm lãi suất vay, rút ngắn quy trình thủ tục cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ.

Tuy nhiên, nhìn chung mức tăng tín dụng 6 tháng đầu năm nay vẫn chậm. Tính đến ngày 30-6,tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp xuống thấp.

Đồng quan điểm, ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng nhìn nhận, do nhu cầu thị trường trong nước và thế giới đều yếu, dẫn đến đơn hàng giảm sút nên dù từ đầu năm đến nay NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng không có nhu cầu vay vốn. Thay vào đó, chỉ khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì doanh nghiệp mới dám vay vốn trở lại.

Dù các ngân hàng đã giảm lãi suất vay, song nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn do sản xuất bị nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra, tổng cầu suy giảm. Ảnh minh họa

Dù các ngân hàng đã giảm lãi suất vay, song nhiều doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn do sản xuất bị nghẽn cả đầu vào lẫn đầu ra, tổng cầu suy giảm. Ảnh minh họa

Về nguyên nhân chính dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế xuống thấp, phân tích ở góc độ kinh tế vĩ mô, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, cho rằng đó là do hệ quả của tổng cầu nền kinh tế suy giảm.

Theo đó, ngoại trừ tiêu dùng trong nước, đầu tư, chi tiêu Chính phủ thông qua đầu tư công là những yếu tố có thể tác động và phần nào kiểm soát được, thì hoạt động xuất - nhập khẩu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các thị trường lớn nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam.

Song sự hồi phục của thị trường xuất khẩu Việt Nam cho tới thời điểm này chưa có những dấu hiệu tích cực rõ nét. Trong bối cảnh đó, việc bơm tín dụng ra thị trường sẽ không có tác dụng nhiều vì doanh nghiệp không hấp thụ được.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thực tế hiện nay không chỉ có các doanh nghiệp sản xuất mà bản thân các ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như nợ xấu đang gia tăng, biên lợi nhuận giảm, trong khi áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu, nhất là với các ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước. Bởi vậy, lượng vốn từ kênh tín dụng bơm ra thị trường bị hạn chế, không đủ cung ứng cho nhu cầu nền kinh tế.

Do đó, cùng với rút ngắn độ trễ chính sách tiền tệ, cần phải tập trung vào chính sách tài khóa thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT.

Đồng thời, cần quan tâm hỗ trợ nhóm các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ việc suy giảm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Các tin khác