Cấp vốn vay không cần chứng minh điều kiện?
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), báo cáo của NH N. tại thời điểm 31-12- 2017, tổng dư nợ cho vay là 32.111 tỷ đồng, nợ xấu là 579 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,8% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý, tỷ lệ nợ xấu là 18%, tương ứng 6.927 tỷ đồng.
Đến thời điểm 30-6-2018, tổng dư nợ cho vay là 35.311 tỷ đồng, nợ xấu là 832 tỷ đồng (tăng 253 tỷ đồng so với 31-12-2017), chiếm tỷ lệ 2,36% tổng dư nợ. Nếu tính nợ xấu bao gồm cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý, thì tỷ lệ nợ xấu là 15,53%, tương ứng với giá trị là 6.341 tỷ đồng.
Đáng lưu ý khi TTCP kiểm tra 6 hồ sơ cấp tín dụng của NH này, trong đó gồm 4 hồ sơ dư nợ tại thời điểm 31-8-2016 là 1.699 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,94% tổng dư nợ của NH) và 2 hồ sơ tín dụng đã bán nợ cho VAMC với tổng dư nợ gốc tại thời điểm bán là 687,575 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 9,57% tổng giá trị các khoản nợ đã bán VAMC).
Kết quả cho thấy, NH N. thẩm định, phê duyệt cho vay khi khách hàng chưa đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Cụ thể là NH N. đã thẩm định nguồn trả nợkhông có cơ sở, khách hàng không chứng minh được nguồn vốn tự có tham gia đầu tư dự án, không có tài liệu chứng minh nguồn trả nợ của khách hàng, dự án chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trên đất.
Các sai phạm kể trên xảy ra với hồ sơ cấp tín dụng của các doanh nghiệp như: CTCP Gami Hội An, CTCP Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Biofeed, CTCP T&H Hạ Long, CTCP Tư vấn ứng dụng và Chuyển giao khoa học công nghệ C&C.
Kết luận của TTCP cũng cho biết, với hồ sơ cấp tín dụng của các công ty được NH N. giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng khách hàng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc thực hiện dự án; giải ngân toàn bộ số tiền cho vay trong khi khách hàng không có chứng từ chứng minh đã giải ngân vốn tự có tham gia vào dự án, chưa thực hiện đúng quy định.
Nguồn trả nợ là cổ phiếu nhưng không định giá giá trị
Theo kết luận thanh tra, tài sản bảo đảm (TSBĐ) của các công ty gồm CTCP Gami Hội An, CTCP Tuần Châu Hà Nội, Công ty TNHH Biofeed, CTCP Tư vấn ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ C&C, CTCP Khu du lịch sinh thái Biển Bắc, chưa được đăng ký giao dịch đảm bảo, chưa thực hiện thẩm định lại định kỳ. TSBĐ là cổ phiếu nhưng không có cơ sở định giá giá trị theo quy định.
Với 2 khách hàng là CTCP Tuần Châu Hà Nội và Công ty TNHH Biofeed, kiểm tra sau cho vay chưa đánh giá đầy đủ tình hình tài chính của khách hàng, tiến độ thực hiện các dự án, việc tuân thủ các điều kiện quy định của NH, chưa thu thập đầy đủ các chứng từ sử dụng vốn vay, nguồn trả nợ; kiểm tra sau cho vay không thường xuyên, kiểm tra khi khách hàng đã có nợ quá hạn phải trả, vi phạm quy định tại Điều 21 Quy chế cho vay kèm theo Quyết định 1627 của NHNN.
TTCP cũng nêu lên thiếu sót của NH N. trong việc cho vay bù đắp vốn tự có đã đầu tư dự án, trong khi chưa xác định chi tiết các hạng mục công trình hoàn thành đã dùng vốn tự có của doanh nghiệp. Cụ thể, dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 10-2015, nhưng đến nay khách hàng chưa có hồ sơ quyết toán đối với CTCP T&H Hạ Long, CTCP Tư vấn ứng dụng và Chuyển giao khoa học, công nghệ C&C.
Đối với 2 khoản vay bán nợ cho VAMC là Công ty TNHH Biofeed, CTCP Tư vấn ứng dụng và Chuyển giao khoa học, công nghệ C&C), NH N. chưa thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng theo đúng quy định tại Thông tư 01/VBHN-NHNN ngày 31-3-2014.
Tại kết luận, TTCP cho biết, theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm ngày 10-10-2021, có 3/4 khách hàng đã tất toán. Riêng CTCP Tuần Châu Hà Nội vẫn còn dư nợ 321 tỷ đồng (nợ nhóm 1).
Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu NH N. rà soát, đánh giá, thẩm định lại khoản vay của CTCP Tuần Châu Hà Nội; phải định kỳ làm việc với khách hàng thông qua kiểm tra sau cho vay để đánh giá tình hình tài chính, đánh giá khả năng trả nợ khi đến hạn, thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh nguồn vốn tự có của khách hàng này.
Hồ sơ cấp tín dụng của các công ty này được NH N. giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án, nhưng khách hàng không có hồ sơ, tài liệu chứng minh việc thực hiện dự án.