Lộ diện 5 ngân hàng cho vay sai nguyên tắc

(ĐTTCO) - Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017, theo đó cũng lộ ra 5 NHTMCP đã có nhiều thiếu sót, sai phạm, như giải ngân vốn cho chủ đầu tư thực hiện dự án khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.
Lộ diện 5 ngân hàng cho vay sai nguyên tắc

Vì giai đoạn xảy ra cũng đã qua 5 năm, đến nay cũng đã có nhiều ngân hàng đang khắc phục, hơn nữa đây là lĩnh vực nhạy cảm nên ĐTTC xin được giấu tên ngân hàng.

Nhiều khuất tất trong hoạt động cho vay

Tại kết luận TTCP cho biết, theo báo cáo của V. (một trong 5 NH nói trên), tại thời điểm 31-12-2017, tổng dư nợ cho vay là 38.770 tỷ đồng, nợ xấu là 525,7 tỷ đồng, chiếm 1,36% tổng dư nợ. Đến thời điểm 30-6-2018, tổng dư nợ cho vay là 37.673 tỷ đồng, nợ xấu là 941 tỷ đồng (tăng 415,3 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2017), chiếm 2,5% tổng dư nợ, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 8,2%, tương ứng 3.504 tỷ đồng.

Kiểm tra 14 hồ sơ cấp tín dụng với tổng dư nợ tại thời điểm 31-8-2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 17,28% tổng dư nợ cho vay của V., TTCP phát hiện một số vấn đề. Cụ thể, V. cho CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay với điều kiện thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án và thu thập không đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Với 2 khách hàng là CTCP Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam, CTCP Đầu tư PHD, V. thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác.

Ngoài ra, NH này còn phân loại nợ chưa đúng quy định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD quy định về nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro đối với 2 khách hàng là CTCP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland, CTCP Điện Bình Thuỷ Lâm Đồng; cơ cấu nợ không đúng quy định tại Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21-1-2013 và Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18-3-2014 của NHNN với khoản nợ của CTCP Đầu tư Toàn Cầu. Theo quy định, các khách hàng nêu trên phải chuyển từ nợ nhóm 1 sang nợ nhóm 4, nhóm 5.

Đồng thời, TTCP đã kiểm tra 10 khách hàng với dư nợ 4.860 tỷ đồng. Cụ thể, 10 khách hàng này được chia làm nhiều nhóm. Đầu tiên là nhóm 6 khách hàng bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư đô thị An Phú, Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy; CTCP Dịch vụ đầu tư nhà đất Nhật Anh, Công ty TNHH Địa ốc Phú Gia Green, Công ty TNHH Đầu tư đô thị Gia Phát, CTCP Đầu tư bất động sản Vạn Phúc, vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện các dự án đối ứng của Dự án xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên).

Nhóm kế tiếp gồm 2 khách hàng là CTCP Đầu tư PHD và CTCP Đầu tư Phát triển Hưng Thịnh Việt Nam cùng vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện Dự án khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang.

Nhóm còn lại là Công ty TNHH Hợp tác thương mại Nam Bình vay góp vốn hợp tác đầu tư xây dựng Dự án khu nhà ở cao tầng, dịch vụ tại ô đất quy hoạch ký hiệu CT8 thuộc Khu đô thị mới Mỹ Đình; Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ LT vay góp vốn hợp tác đầu tư thực hiện Dự án khu tái định cư phục vụ xây dựng Khu đô thị mới Hà Nội.

Qua đó cho thấy, V. cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn. Các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định tại Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ, vi phạm quy định về điều kiện vay vốn tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của NHNN.

TTCP cho biết, theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm 10-10-2021 có 12/14 khách hàng đã tất toán; còn 2 khách hàng còn dư nợ là CTCP Tập đoàn Xây dựng và Phát triển nhà Vicoland với dư nợ 500 tỷ đồng, thuộc nợ nhóm 5 và CTCP Đầu tư PHD với dư nợ 483 tỷ đồng, thuộc nợ nhóm 1.

Dòng tiền kinh doanh có xu hướng âm nặng hơn

Về tình hình kinh doanh hiện tại, kết thúc quý I-2023, tổng tài sản V. giảm 10% so với đầu năm, còn gần 94.792 tỷ đồng. Trong đó, tiền, vàng gửi tại các TCTD và cho vay các TCTD giảm 69% so với đầu năm xuống 6.586 tỷ đồng; tiền gửi tại NHNN giảm 12% xuống 1.211 tỷ đồng; tiền mặt, vàng bạc, đá quý giảm 25%, xuống hơn 336 tỷ đồng.

Ngược lại, tài sản nằm ở chứng khoán đầu tư lại đang có xu hướng tăng 12% so với đầu năm, lên hơn 10.086 tỷ đồng.

Về kinh doanh, cho vay khách hàng tăng 7%, đạt 66.620 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 10% đạt 77,085 tỷ đồng. V. báo lãi trước thuế gần 245 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh có xu hướng âm nặng hơn. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 14.959 tỷ đồng vào cuối quý I, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ âm 9.136 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 17,5 tỷ đồng. Theo đó, dòng tiền thuần trong kỳ tại V. âm tới 14.977 tỷ đồng. Tại ngày 31-3, V. có 4.253 tỷ đồng nợ khó đòi đã xử lý.

(Còn tiếp)

Các tin khác