Cho vay “sân sau”?
Trong Kết luận thanh tra Thanh tra Chính phủ (TTCP), báo cáo của ngân hàng (NH) B. tại thời điểm 31-12-2017, nợ xấu chiếm tỷ lệ 0,62%, tương ứng 427,7 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý, tỷ lệ nợ xấu là 2,1%, tương ứng 1.030 tỷ đồng. Đến 30-6-2018, nợ xấu là 452 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 0,68%, còn nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỷ lệ nợ xấu là 1,54%, tương ứng 1.034 tỷ đồng.
Thế nhưng, TTCP đã kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng của 11 khách hàng với tổng dư nợ tại thời điểm 31-8-2018 là 6.626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của NH, trong đó có 1 khách hàng đã bán nợ cho VAMC (Công ty TNHH Hùng Vương Huế), 1 khách hàng được cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1 (CTCP Sông Lam Nghệ An) và 9 khách hàng nợ nhóm 1.
Kết quả cho thấy, NH này thẩm định điều kiện cho vay vốn khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về tính khả thi, hiệu quả của dự án khi phê duyệt cho vay; chưa đáp ứng điều kiện “có khả năng tài chính để trả nợ” theo quy định đối với hàng loạt công ty như: CTCP Thực phẩm sữa TH, Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế, CTCP Sữa TH, CTCP Logistic SC, CTCP Dược liệu TH, CTCP nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế, Công ty TNHH Hùng Vương Huế.
Đặc biệt, có một số khách hàng âm vốn chủ sở hữu như: CTCP Sữa TH, CTCP chuỗi thực phẩm TH, Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế.
Có thể thấy, NH B. cho vay chưa đúng nguyên tắc với rất nhiều doanh nghiệp “họ" TH. Trong khi đó được biết, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc của NH.B cũng là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng chiến lược tập đoàn này.
Cho vay không cần tài sản bảo đảm
Kết luận của TTCP cũng cho thấy NH B. có sai sót về thẩm định tài sàn bảo đảm (TSBĐ). Cụ thể, NH B. đã phê duyệt cho vay không có TSBĐ đối với một số khoản vay trong khi tình hình tài chính của khách hàng khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ với các công ty như: CTCP Chuỗi thực phẩm TH, Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế, CTCP Sữa TH, CTCP Chuỗi cung ứng quốc tế; CTCP Đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An.
Đồng thời, NH này còn phê duyệt TSBĐ chưa đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định với khoản vay, TSBĐ là khoản phải thu. Thế nhưng, tại một số thời điểm dư nợ phải thu thấp hơn dư nợ vay, TSBĐ là quyền đòi nợ nhưng tình hình tài chính của bên có nghĩa vụ thanh toán khó khăn, kết quả kinh doanh lỗ, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đối với một số công ty đề cập ở trên.
Về phân loại nợ, trong quá trình vay vốn có một số kỳ trả nợ, CTCP Thực phẩm sữa TH, CTCP Chuỗi thực phẩm TH, CTCP Sữa TH, CTCP Chuỗi cung ứng quốc tế, CTCP Logistic SC, CTCP Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế đã chậm trả nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, NH không kịp thời chuyển nợ quá hạn.
Ngoài ra, NH B. còn cơ cấu nợ cho một khách hàng dù không có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. Trong việc giải ngân, NH này cũng bị “điểm mặt” khi chứng từ sử dụng vốn vay chưa phù hợp, giải ngân thanh toán tiền mua hàng nhưng hàng tồn kho không thể hiện trên báo cáo, giải ngân khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý theo quy định, chưa được cấp giấy phép xây dựng đối với một số khách hàng
Tính đến thời điểm ngày 10-10-2021, có 5/11 khách hàng ở trên đã tất toán. Trong đó, 1 khách hàng bán nợ VAMC là Công ty TNHH Hùng Vương Huế); 4 khách hàng còn dư nợ gồm CTCP Sông Lam Nghệ An với dư nợ 247 tỷ đồng (nợ nhóm 5), CTCP Dược liệu TH còn dư nợ 85 tỷ đồng (nợ nhóm 1), CTCP Đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An dư nợ 217 tỷ đồng (nợ nhóm 1), CTCP Thực phẩm sữa TH còn dư nợ 91 tỷ đồng (nợ nhóm 1), Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế còn dư nợ 175 tỷ đồng (nợ nhóm 1).
Hiện TTCP yêu cầu NH này khẩn trương bổ sung, hoàn thiện quy định về việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay, thẩm định TSBĐ tiền vay đối với trường hợp cho vay không có TSBĐ tại quy định nội bộ về cho vay của NH, gửi NHNN để theo dõi, giám sát. Đồng thời, thực hiện thẩm định, đánh giá lại về khả năng tài chính và nguồn trả nợ của các khách hàng, đề ra biện pháp giám sát chặt chẽ trong dài hạn, yêu cầu khách hàng có phương án bổ sung nguồn trả nợ có tính khả thi để đảm bảo NH thu nợ gốc, lãi theo cam kết hợp đồng tín dụng.
Đáng chú ý, hiện nợ xấu của NH này tính đến cuối quý II-2023 đã tăng gần 31,2% lên 679 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh, từ 42 tỷ đồng lên hơn 175 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,55% lên 0,71%.
NH B. cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II-2023. Trong kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng (giảm 24,3%), song lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn tăng 10% (đạt 474 tỷ đồng). Tính đến 30-6, tổng tài sản của NH B. đạt hơn 135.000 tỷ (tăng 5% so với đầu năm). Dư nợ cho vay tăng 2,6%, đạt hơn 95.000 tỷ đồng, tăng 2,6%. Huy động vốn tăng 8,7%, lên hơn 105.366 tỷ đồng.
Vì giai đoạn xảy ra cũng đã qua 5 năm, đến nay cũng đã có nhiều NH đang khắc phục, hơn nữa đây là lĩnh vực nhạy cảm, nên ĐTTC xin được không nêu tên NH.