Nhưng chưa kịp thở phào nhẹ nhõm, nợ xấu đã quay đầu tăng mạnh trong hơn một năm qua và kéo cả tiến độ xử lý nợ xấu cũ chậm lại, khiến gánh nặng đè lên hệ thống NH nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nguyên nhân là thị trường mua bán nợ đúng nghĩa vẫn chưa hình thành.
Nợ xấu tăng lên đã quá rõ
Tại khảo sát NH tháng 6-2023 phát hành mới đây, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chỉ ra 7 thách thức lớn của ngành NH Việt Nam năm nay. Trong đó, nợ xấu gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được nhận diện lớn nhất (tăng 9,1% so với thời điểm một năm trước) mà NH phải đối diện trong thời gian tới.
Vietnam Report nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ GDP/tín dụng ở mức rất cao, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu, và kèm theo đó rủi ro của hệ thống NH cũng không nhỏ.
Quý I-2023, tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã tăng mạnh trở lại, đạt mức 1,93%, cao hơn so với giai đoạn trước dịch. Rủi ro tăng lên xuất phát từ sự đóng băng của thị trường bất động sản, lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng.
Điều này cũng đồng nghĩa kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý III-2023 của NHNN vừa công bố: các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý II-2023 tăng nhanh hơn so với quý trước. Và như vậy không lâu nữa, các nhà băng cũng sẽ công bố báo cáo tài chính quý II.
Tóm lại, thông tin về nợ xấu gia tăng đã quá rõ trong bối cảnh khó khăn bủa vây hầu hết các DN trong nước.
Xử lý trong vòng lẩn quẩn
Nợ xấu luôn đồng hành cùng hoạt động của các NH là lẽ đương nhiên. Nhưng ở nhiều quốc gia, nợ xấu không gây ra nhiều lo ngại như Việt Nam. Bởi lẽ ở các nước, nợ xấu được làm sạch bằng cách xử lý một cách công khai ở một thị trường mở, thông qua những giao dịch thương mại đúng nghĩa.
Cụ thể nợ xấu được xử lý thông qua thị trường mua bán nợ. Ngược lại, đối với Việt Nam, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho đến nay vẫn chưa thực sự có thị trường mua bán nợ, hay nói cách khác chúng ta mới thực hiện được “nửa thị trường”. Đơn cử một khía cạnh, trong một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa, những khoản nợ xấu có thể bán với giá 20-30% so với giá trị ban đầu, thì Việt Nam vẫn chưa làm được điều đó.
Với môi trường như vậy, các NH đã không có nhiều công cụ để xử lý nợ. Các năm qua, xử lý nợ xấu vẫn lẩn quẩn với hình thức mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các NH với VAMC, và hình thức các NHTM trích lập dự phòng rủi ro.
Cuối năm 2021, sàn giao dịch nợ của VAMC được đưa vào hoạt động đã được kỳ vọng rất lớn, sẽ tạo lập thị trường mua bán nợ, nhưng kết quả hoạt động lại khá èo uột. Đã có khoảng 32.000 tỷ đồng nợ xấu được niêm yết trên sàn giao dịch nợ VAMC, nhưng mới có khoảng 1.000 tỷ đồng được xử lý qua sàn.
Hiện nay các NHTM vẫn đang miệt mài đi rao bán tài sản đảm bảo sau khi mua lại nợ từ VAMC. Nhưng khoản nợ cũ chưa bán được, khoản nợ mới lại phát sinh khi hàng loạt khó khăn ập tới từ khi bùng phát đại dịch đến nay, áp lực trích lập dự phòng đè nặng lên vai.
Nợ xấu tăng khiến NH rơi vào thế kẹt thanh khoản, ảnh hưởng lên lãi suất đầu ra, khiến DN càng khó vay khó trả. Xử lý nợ xấu trở thành một câu chuyện lẩn quẩn gây đau đầu cho cả hệ thống NH lẫn nền kinh tế.
Cần mở rộng nguồn lực tham gia
Ông Darryl Dong, cán bộ Quốc gia Cao cấp, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã chia sẻ, Việt Nam đã nói rất nhiều về vấn đề xử lý nợ xấu nhưng đến nay vẫn nằm ở vạch xuất phát. Bởi lẽ những thành viên chủ yếu tham gia trên thị trường nợ vẫn là các TCTD, VAMC và công ty quản lý tài sản trực thuộc các NH (AMC) được cấp phép. Trong khi đó, muốn mua bán nợ xấu cần có nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại không mở cửa cho những thành viên này.
Số liệu từ IFC cũng cho thấy, tổ chức này đã dành khoảng 3 tỷ USD để đầu tư mua bán nợ vào các thị trường cận biên và thị trường mới nổi. Danh sách chưa có Việt Nam do những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia quỹ xử lý nợ xấu chưa rõ ràng.
Trao đổi với ĐTTC, một chuyên gia tài chính cho biết, Đề án xử lý nợ xấu các TCTD ban hành kèm theo Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31-5-2013 xác định, nguyên tắc huy động mọi nguồn lực trong xã hội để xử lý nợ xấu các TCTD. Nhưng cho đến nay, nguyên tắc này chưa được thực hiện tốt.
Các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu bó hẹp trong khuôn khổ gồm các TCTD, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC và các AMC của các NH. Còn “nguồn lực lớn” là các tổ chức nước ngoài chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động mua bán nợ.
Nếu các tổ chức và cá nhân nước ngoài được tham gia mua bán nợ xấu, giá trị thực của các khoản nợ sẽ được đánh giá xác thực, tính minh bạch cao, điều cần thiết cho việc xác định chính xác mặt bằng giá nợ xấu của các TCTD. Và quan trọng hơn, các NH sẽ có được “tiền tươi thóc thật” từ nước ngoài để bồi hoàn thanh khoản cho các khoản tiền bị chôn trong nợ xấu.
Hiện Việt Nam tuy có sàn giao dịch nợ của VAMC, nhưng còn khá xa để tiến tới một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa như các nước vì thiếu hành lang pháp lý, dẫn đến chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường.
Trong khi đó ở nhiều quốc gia, thị trường mua bán nợ đã được khuyến khích phát triển bằng những chính sách mới, khuyến khích các nghiệp vụ chứng khoán hóa nợ xấu, cũng như cho phép thử nghiệm phát triển thị trường giao dịch mới để các NH bán các khoản nợ đến các nhà đầu tư tư nhân, qua đó thúc đẩy thị trường vốn phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn.
Song song đó, công ty quản lý tài sản quốc gia của một số nước cũng tiến hành mua nợ từ hệ thống NH, sau đó thực hiện đấu thầu quốc tế các khoản nợ xấu theo lô lớn để thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. Kết quả của điều đó là nợ xấu được xử lý hiệu quả và nhanh chóng.
Ở thời điểm hiện tại, đa số các chuyên gia đều khuyến cáo Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động mua bán nợ. Việc “mở cửa” này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật và quy định cần phải đủ tốt để thu hút nhà đầu tư tham gia xử lý nợ xấu.