Các NH lớn nhập cuộc
Sau các NH thương mại tư nhân, từ đầu tháng 9-2018, các NH quốc doanh lớn nhất hệ thống đã nhập cuộc tăng lãi suất huy động để thu hút tiền nhàn rỗi trong dân.
Cụ thể, từ ngày 4-9, BIDV đã có thông báo cộng thêm lãi suất 0,1% - 0,2%/năm cho người gửi tiền ở một số kỳ hạn khi gửi online. Trước đó, NH này cũng đã tăng lãi suất thêm 0,2% đối với nhiều kỳ hạn ngắn.
Tương tự, trên biểu lãi suất huy động của VietinBank ngày 5-9, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2% - lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng cũng tăng thêm 0,2% - lên 4,8%/năm. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được NH này tăng 0,2% - lên 5,3%. Agribank mới đây cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1% - 0,2%/năm ở nhiều kỳ hạn.
Trong khi đó, sau khi giảm mạnh trong tuần trước đó, lãi suất VND trên thị trường liên NH tiếp tục có xu hướng giảm trong tuần qua, xuống các mức thấp nhất trong 3 tuần gần đây.
Cụ thể, tính đến ngày 19-9, tổng số dư lưu hành tín phiếu NHNN phát hành chỉ còn 58.330 tỷ đồng, giảm so với 80.000 tỷ đồng của 3 tuần trước và giảm mạnh so với mức độ từng lên tới 150.000 tỷ đồng trong quý 2-2018.
Thời gian gần đây NHNN trở lại tăng quy mô phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, với những phiên chào thầu tới 15.000 tỷ đồng kỳ hạn ngắn, nhưng lượng hấp thụ của các tổ chức tín dụng khá thấp. Cùng với đó, lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn đã đồng loạt tăng mạnh.
Bình thường hóa lãi suất cao?
Lý giải về nguyên nhân lãi suất tăng, các chuyên gia cho rằng, xu hướng nâng lãi suất huy động là tất yếu do nhiều nước trên thế giới tăng lãi suất và USD tăng quá mạnh làm áp lực lên nhiều đồng tiền khác và VND cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Mặc dù NHNN thời gian qua cũng đã giữ ổn định được tỷ giá, nhưng FED tăng lãi suất đồng USD và sẽ tiếp tục tăng thêm 2 lần nữa trong năm nay nên lãi suất VND cũng sẽ phải giữ mức độ nhất định, ít nhất là cao hơn lãi suất của FED (hiện đang ở mức 1,7% - 2%/năm).
Theo Công ty chứng khoán SSI, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng từ những bất ổn thương mại và áp lực tỷ giá VND/USD. Những áp lực này buộc Chính phủ có biện pháp điều chỉnh chính sách.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại trên thế giới leo thang; dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng đảo chiều tại các thị trường mới nổi; lạm phát, tỷ giá, lãi suất trong nước phản ứng nhất định với những tác động lớn bên ngoài, NHNN không còn mua vào ngoại tệ lớn như trước.
Tỷ giá USD/VND thể hiện những đợt tăng khá mạnh. Thanh khoản hệ thống dù không căng thẳng nhưng điều hành chính sách đã phải cân đối lại trong điều tiết. Với bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, hiện lãi suất Việt Nam đang hình thành mặt bằng mới và lãi suất VND ở mức cao đang dần trở nên bình thường.
Mặc dù vậy, lãi suất toàn cầu tăng cao sau các quyết định nâng lãi suất của FED được nhìn nhận là rủi ro lớn nhất hiện nay. Xu hướng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm, thậm chí cả trong những tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, hiện lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN. Đồng thời, với quyết tâm của Chính phủ và NHNN trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường kỳ vọng lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2019.
Theo chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt, diễn biến lãi suất trên thị trường liên NH cũng gây sức ép thúc đẩy lợi tức trái phiếu các kỳ hạn ngắn. Bên cạnh mặt bằng lợi tức kỳ hạn ngắn cao hơn, rủi ro lạm phát và tỷ giá tăng nhanh cũng góp phần đẩy lợi tức trái phiếu các kỳ hạn dài lên cao. Diễn biến lợi tức trái phiếu đóng vai trò quan trọng trong việc xác định lãi suất huy động và cho vay trong NH. Điều này càng tạo ra áp lực hơn đối với điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. |