Lãi suất huy động tăng nhanh
ACB vừa có sự thay đổi ở các mức lãi suất tiết kiệm áp dụng từ đầu tháng 7. Đây cũng là nhà băng điều chỉnh lãi suất huy động mạnh nhất đợt điều chỉnh đang diễn ra trên hệ thống NH.
Cụ thể, nhà băng này đã tăng 0,8%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, từ 4,5%/năm lên 5,3%/năm; tăng 0,9%/năm đối với kỳ hạn 9 tháng, từ 4,6%/năm lên 5,5%/năm. Kỳ hạn ngắn cũng được điều chỉnh tăng khi lãi suất huy động 3 tháng lên 4%/năm, tăng 0,6%.
Tại HDBank, lãi suất gửi tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng tăng mức từ 5,95% lên 7,1%/năm, và kỳ hạn 13 tháng từ 6,1% lên 7,15%/năm, tức tăng thêm 1,05%.
CBBank tăng lãi suất tiền gửi tại quầy tăng thêm 0,15% từ ngày 27-6, từ 7%/năm lên 7,15%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, kỳ hạn từ 13 tháng là 7,2%/năm.
Các NHTM có vốn nhà nước cũng rục rịch tham gia cuộc đua tăng lãi suất. BIDV đã điều chỉnh tăng 0,1% đối với các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng lên mức 5,6%/năm. Nối gót BIDV, Agribank cũng điều chỉnh tăng 0,1% đối với các khoản gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, lên mức 5,6%/năm.
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) thống kê, trong tháng 6, lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ, lần lượt ở mức 0,03% và 0,01%, lên mức 4,95%/năm và 5,7%/năm. So với cuối năm 2021, cả 2 loại lãi suất trung bình này đều đã tăng 0,15%.
Trong đó, nhóm NHTMCP quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) tiếp tục là nhóm duy nhất có lãi suất tăng ở cả 2 loại kỳ hạn, cùng ở mức 0,02%, lên 5,63% (6 tháng) và 6,25% (12 tháng). Ngược lại, nhóm các NHTMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) tăng 0,03% đối với kỳ hạn 6 tháng lên 4,71%/năm; nhưng giữ nguyên kỳ hạn 12 tháng, ở mức 5,45%/năm.
Trong khi đó, nhóm NH có vốn nhà nước tiếp tục không điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng, duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 12 liên tiếp; trong khi nâng nhẹ lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 0,05% lên mức 5%/năm sau 10 tháng không thay đổi.
BVSC cho biết, theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, tính tới ngày 20-6-2022, tăng trưởng tín dụng đạt mức 8,51%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng thời điểm năm 2021 (5,47%) và là mức tăng cao nhất thời điểm cuối tháng 6 trong giai đoạn 2018-2022. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu chững lại, khi trước đó, tới ngày 9-6-2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,15%.
Việc tăng trưởng tín dụng chững lại đã khiến cho thanh khoản hệ thống trở nên dư thừa trong các tuần gần đây. NHNN vì vậy cũng đã thực hiện các hoạt động hút ròng thông qua kênh tín phiếu của hoạt động thị trường mở như trong 2 tuần vừa qua để giúp ổn định lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Trong thời gian tới, lãi suất sẽ chịu áp lực tăng khi NH Trung ương nhiều nước lớn đã tăng mạnh lãi suất để ứng phó với lạm phát. Dù vậy, BVSC duy trì dự báo lãi suất sẽ không tăng quá mạnh, chỉ ở quanh mức 0,5% so với cuối năm 2021 để tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tại báo cáo mới phát hành, CTCP Chứng khoán VNDIRECT nhận định, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại trong năm nay do nhu cầu huy động vốn tăng, dựa trên tín dụng tăng trưởng và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán và nhất là áp lực lạm phát. Theo đó, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022.
VNDIRECT dự đoán lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các NHTM sẽ tăng lên mức 5,9-6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm giai đoạn trước dịch bệnh. Ngoài ra, trong trường hợp Thông tư 08/21/TT-NHNN không được gia hạn thêm 1 năm nữa, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay dài hạn sẽ giảm từ mức 37% xuống 34% bắt đầu từ ngày 1-10-2022; đồng nghĩa với việc các NH sẽ phải giảm nguồn vốn ngắn hạn hoặc tăng cho vay trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu nói trên.
Trong khi đó, các chuyên gia của UOB nhận định, trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên và mặc dù nền kinh tế trong nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, NHNN có thể tiếp tục giữ ổn định lãi suất chính sách hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.
Lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 2,5%/năm sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022. Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, UOB dự đoán NHNN sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý II-2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt.