Chỉ sau vài ngày NHNN cho phép thả nỗi lãi suất kỳ hạn dài trên 12 tháng, các NHTM đã bước vào cuộc đua tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài vượt xa trần kỳ hạn ngắn 9%/năm.
Cao nhất 12%/năm
Không còn tình trạng lãi suất thẳng hàng ở các kỳ hạn hoặc lãi suất kỳ hạn ngắn cao hơn kỳ hạn dài, hôm qua nhiều NHTM đã có sự điều chỉnh theo hướng lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng đều cao hơn 9%/năm. Cụ thể, tại ACB mức lãi tiền gửi VNĐ đối với kỳ hạn 12-36 tháng 10,4-12%/năm.
Sacombank cũng có mức cao nhất 12%/năm lĩnh lãi cuối kỳ ở các kỳ hạn 24 và 36 tháng; 11%/năm ở kỳ hạn 13, 15 và 18 tháng.
![]() |
Nhiều NH đã điều chỉnh theo hướng lãi suất kỳ hạn |
Tại VPBank các kỳ hạn tiền gửi 12-36 tháng đều ở mức 10,5%/năm. HDBank mức 11,5% được áp cho kỳ hạn 15 và 18 tháng. Như vậy, sau hơn 2 năm đường cong lãi suất tại các NHTM mới được thiết lập trở lại đúng theo quy luật, kỳ hạn gửi càng dài lãi suất cao, kỳ hạn ngắn lãi suất thấp.
Tuy nhiên, nhiều NHTM lại dè dặt trong việc niêm yết lãi suất kỳ hạn dài cao hơn kỳ hạn ngắn, mức cao hơn bình quân chỉ 0,5-1%/năm. Cụ thể, mức lãi suất tiền gửi 10-10,5%/năm được TienphongBank áp dụng cho kỳ hạn gửi 12-18 tháng. Nhưng ở kỳ hạn dài hơn 24 và 36 tháng, lãi suất lại bị "đánh tụt" còn 9,5-9,8%/năm.
VCB niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng 9,5%/năm. BIDV tiền gửi kỳ hạn dài 12-36 tháng chỉ còn 10%/năm. Techcombank niêm yết kỳ hạn 13 tháng lãi suất 9,35%/năm, kỳ hạn 15-36 tháng dao động 6,37-7,19%/năm.
Nhiều NHTM cho biết dù đang thừa vốn nhưng vẫn không ít NH nhỏ gặp khó trong huy động. Đáng chú ý đã xuất hiện tình trạng người dân bắt đầu chuyển một phần dòng vốn tiền gửi sang bất động sản, mua ngoại tệ…
Chính vì vậy, vẫn có tình trạng lách trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn 9%/năm. Để qua mắt các cơ quan chức năng, khoản chênh lệch lãi suất cao hơn trần quy định được NH và khách hàng giao dịch trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, không có bất cứ giấy tờ gì ghi nhận về khoản tiền này, người gửi tiền nhận vào cuối kỳ đáo hạn.
Ngoài ra, có NHTM ký với khách hàng hợp đồng kỳ hạn dài trên 12 tháng nhưng cho phép khách hàng rút vốn theo định kỳ 3 hoặc 6 tháng và hưởng được lãi suất cao kỳ hạn trên 12 tháng.
Lo thanh khoản dài hạn
Giải thích về xu hướng lãi suất trên, theo một phó tổng giám đốc NH cổ phần, hiện nay lượng khách hàng có tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-3 tháng chiếm đến 95%/tổng số tiền gửi, tỷ lệ khách hàng gửi tiền kỳ hạn trên 1 năm rất hiếm. Trong khi các NHTM cho vay kỳ hạn ít nhất cũng từ 6-12 tháng. Đầu vào ngắn, đầu ra dài khiến các NHTM đang có nguy cơ rủi ro thanh khoản trong thời gian tới.
Vì vậy, việc NHNN bỏ trần lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng là hợp lý, giúp đường cong lãi suất trở về mức hợp lý, khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài hơn. Theo NHNN, từ tháng 5 tăng trưởng tín dụng một số NHTM đã bắt đầu dương, trong đó có NHTM đã tăng trưởng tín dụng gần hết chỉ tiêu được giao.
Dự báo từ quý III trở đi nguồn vốn tiền đồng sẽ bắt đầu căng thẳng. Do vậy, việc kéo lãi suất cao đối với kỳ hạn dài sẽ giúp NHTM chủ động nguồn vốn trung, dài hạn trong tương lai.
Theo TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội, khi lãi suất có xu thế giảm, yếu tố lãi suất không còn là vấn đề quan trọng để khách hàng chọn NH. Cụ thể, nếu cùng một mức lãi suất, người dân sẽ chọn gửi tiền ở những NHTM lớn. Vì vậy, các NHTM nhỏ và vừa sẽ phải niêm yết lãi suất cao hơn các NHTM lớn.
Việc thả nổi lãi suất kỳ hạn dài cũng là định hướng phù hợp khi tới đây sẽ bỏ trần lãi suất huy động. Lúc đó sẽ có sự cạnh tranh bình đẳng lãi suất giữa các NHTM.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia NH, các NHTM cũng cần dự phòng nguồn vốn huy động trung, dài hạn lãi suất cao để cho vay ở những lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, bất động sản… không bị khống chế trần lãi suất cho vay 13%/năm.