Lãi suất trái phiếu càng cao, rủi ro càng lớn

(ĐTTCO) - Thị trường chứng khoán (TTCK) đang tồn tại nghịch lý là các doanh nghiệp (DN) niêm yết, đặc biệt là DN bất động sản (BĐS) phát hành trái phiếu (TP) thay vì huy động vốn giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu (CP).
 Cuộc đua phát hành TP khiến cho mặt bằng lãi suất của loại hình này tăng cao, thậm chí còn cao hơn nếu so với lãi suất ngân hàng (NH). Ông PHAN DŨNG KHÁNH (ảnh), Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank KimEng (MBKE), đã có những giải đáp với ĐTTC về hiện tượng đầy rủi ro này.
Đúng là gần đây nhiều DN niêm yết công bố kế hoạch phát hành TP, trong đó phần lớn là các DN BĐS. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm thu hút gần 117.000 tỷ đồng TP được phát hành thành công (tăng 74,3% so với cùng kỳ năm 2018).
 Hầu hết các DN phát hành TP đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, trong khi bản cáo bạch phát hành TP lại quá phức tạp. Do đó, rủi ro với NĐT khi các DN phát hành bị phá sản, trong khi TP không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh.
Lãi suất bình quân trong nửa đầu năm nay vào khoảng 9,5-11%/năm, trong đó gần 90% khối lượng TP phát hành có lãi suất dưới 11%/năm, một số đợt phát hành với lãi suất 13-14%/năm, thậm chí DN BĐS phát hành TP với lãi suất lên đến 14,5%/năm. Nguyên nhân chính do NHNN yêu cầu hạn chế cho vay đối với những lĩnh vực có tính rủi ro cao như BĐS, bởi hệ thống NH có nợ xấu gia tăng cao chủ yếu cũng từ BĐS, khiến cho các DN BĐS khó tiếp cận vốn vay NH hoặc không đủ các điều kiện để được vay. 
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, vì sao nhiều DN bằng mọi giá phải huy động vốn từ TP thay vì huy động thông qua việc phát hành thêm CP trên TTCK?
Ông PHAN DŨNG KHÁNH: - Hiện mặt bằng lãi suất của các TP đang phát hành rất cao, có nhiều TP cao gấp đôi tiền gửi NH, thậm chí gấp rưỡi nếu vay trực tiếp tại NH. Đó là chưa tính các loại phí khi phát hành TP. Cũng dễ hiểu, khi nhiều DN cùng phát hành, để tăng tính hấp dẫn buộc DN đẩy lãi suất lên cao để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT). Như vậy có thể thấy rằng, các DN BĐS đang khó khăn về vốn mới phải vay thông qua kênh TP thay vì vay NH, thậm chí huy động qua phát hành CP với lãi suất thấp hơn nhiều. 
Đối TTCK, sau khi lập đỉnh hồi tháng 4-2018 đã liên tục đi xuống, cả về điểm số lẫn thanh khoản, khiến cho việc phát hành thêm CP với giá cao như kỳ vọng của DN lại không hợp lý. Đó là chưa kể việc "in thêm giấy" lúc thị trường xuống tạo ấn tượng xấu cho NĐT trong bối cảnh họ cũng đang chật vật do thua lỗ khi thị trường giảm. Ngoài lý do chính này, nhiều DN không đủ tiêu chuẩn để phát hành CP, hoặc họ cân nhắc việc phát hành sẽ khiến cho CP bị pha loãng, làm cho những chỉ tiêu tài chính của DN bị ảnh hưởng xấu đi sau các đợt phát hành CP.
Lãi suất trái phiếu càng cao, rủi ro càng lớn ảnh 1
- Theo ông, việc DN BĐS phát hành TP có tạo nên áp lực cạnh tranh giữa NH và DN, và liệu rằng sự cạnh tranh này có tạo nên rủi ro cho thị trường?
- Đúng là có sự cạnh tranh của NH và DN về việc này. Điều này gây khó cho cả 2, vì NH cũng không thể vì điều đó mà “nới lỏng” hơn cho các DN BĐS vay khi tình hình nợ xấu có thể xấu hơn. Trong khi đó, rủi ro mà DN gặp phải cũng không hề nhỏ. Chẳng hạn, nếu các dự án BĐS thực hiện không đúng tiến độ, phải đền bù hoặc không thực hiện được hay không bán được, sẽ khiến DN khó khăn về dòng tiền. Về lâu dài, hiện tượng này gây tác động không tốt đến khả năng chi trả, hoặc nếu có tài sản đảm bảo chi trả thành công thì nếu phát hành thêm những lần tiếp theo sẽ khó khăn hơn, thậm chí không thể huy động thêm được từ kênh TP. 
Đặc biệt, DN phải trả lãi rất cao trong khi BĐS đang nhiều dấu hiệu trầm lắng, nên giả sử có tiêu thụ được hết và thực hiện đúng kế hoạch thì với lãi suất cao như hiện nay cũng góp phần “ăn mòn” doanh thu và lợi nhuận của DN. Nếu DN BĐS muốn giữ được điều này có thể phải cắt giảm nhiều chi phí, ứng dụng nhiều công nghệ để duy trì. Điều này đòi hỏi phải thay đổi được tư duy lãnh đạo cũng như có tiềm lực để thực hiện vốn không dễ dàng. 
Một rủi ro khác nữa là cạnh tranh với kênh đầu tư vàng. Thời gian gần đây, kênh đầu tư này đang thu hút được sự chú ý của NĐT với những dự báo vàng sẽ còn tăng giá. Điều này đồng nghĩa, DN muốn hút được các dòng tiền lớn khó mà huy động qua kênh TP với lãi suất thấp được. Và gánh nặng cho họ càng lớn. 
- Theo ông, liệu có giải pháp gì để hạn chế rủi ro cho các DN BĐS muốn huy động vốn bằng TP?
- Rất khó để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất về mọi mặt, nhưng theo tôi, các DN cần lưu tâm các vấn đề khi có kế hoạch phát hành TP như: chỉ thực hiện huy động vừa phải vốn với những dự án khả thi và có đầu ra; bán lại những dự án thiếu khả thi; tính toán lại kế hoạch, có thể loại bỏ những dự án cần chi phí lớn hoặc hoãn lại, cắt giảm các chi phí không cần thiết. Đặc biệt, DN phải chủ động giảm lãi suất TP và có thể thêm các ưu đãi là khuyến mại khác cho người mua TP để thu hút. Thí dụ như như cho phép những người mua TP có thể tiếp cận các dự án dễ dàng, như ưu đãi chọn vị trí, khuyến mại phù hợp…
- Theo ông, về phía cơ quan quản lý có nên can thiệp vào để hạn chế rủi ro làm ảnh hưởng đến thị trường vốn nói chung?
- Thực tế, cơ quan quản lý cũng gặp khó trong trường hợp này, vì nếu thế phải khuyến khích cho DN BĐS vay tiền, nhưng như vậy rủi ro sẽ lớn hơn nữa. Theo tôi, nên để DN tự thân vận động, nếu có chăng chỉ nên quy định việc phát hành TP phải thỏa các điều kiện chặt chẽ hơn, và mức lãi suất chỉ được tối đa là bao nhiêu. Thế nhưng, nếu can thiệp như vậy sẽ làm thị trường không tự nhiên, chưa kể phải xin ý kiến để sửa luật mới có thể thực hiện được. Vì lẽ đó, cơ quan quản lý chỉ nên can thiệp nếu điều này vượt quá một mức giới hạn và tránh ảnh hưởng đến các DN thuộc các lĩnh vực khác.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác