Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
“Đến hẹn lại lên”, UBND TP Hà Nội vừa hoàn tất dự thảo bảng giá các loại đất năm 2012 trên địa bàn. Theo đó, giá các loại đất được xây dựng trên cơ sở khung giá của Chính phủ, cơ bản giữ ổn định như năm 2011.
Giá đất vẫn giữ tối thiểu mức 2,34 triệu đồng/m2 và tối đa 81 triệu đồng/m2 (áp dụng tại các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ - quận Hoàn Kiếm). Mức giá chỉ điều chỉnh cục bộ tại một số vị trí, tuyến đường, phố mới, có vị trí thuận lợi và khu vực phát triển quy hoạch đô thị chung.
Như vậy, đã 3 năm liên tiếp, khung giá đất của UBND TP Hà Nội thay đổi rất ít ở một số vị trí, bất chấp thị trường BĐS “nổi sóng” hoặc “đóng băng”, bất chấp giá thị trường đang cao ngất ngưởng và bảng giá này gần như không có giá trị thực tế.
Khung giá đất này được lấy làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất, chuyển quyền sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các nghĩa vụ về đất như lệ phí trước bạ, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng...
Thế nhưng, cơ chế giá với mức chênh lệch lớn so với mức giá thị trường hiện nay đang tạo ra nhiều bất cập. Thí dụ đất Nhà nước giao cho các doanh nghiệp nhà nước sử dụng, khi chuyển đổi sang mục đích sản xuất kinh doanh vẫn xử lý theo giá nhà nước như các loại đất khác, dẫn đến tình trạng “đất vàng giá rẻ như cho”. Hoặc gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài vì cơ chế định giá chưa thỏa đáng.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố nhân ngày Đô thị Việt Nam cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa “giá đất do Chính phủ quy định” và “giá thị trường” (giá đất thị trường thường cao gấp hơn 10 lần “giá nhà nước”).
Đây là một nguyên nhân của những méo mó và các “nút cổ chai” trên thị trường đất đai. Hệ thống 2 giá này chuyển giá trị và lợi ích khổng lồ cho các nhà kinh doanh bất động sản (thường là doanh nghiệp nhà nước), các nhà đầu tư và đầu cơ, trong khi thiệt hại thuộc về người sở hữu đất đai ban đầu.
Mặc dù đã nhiều lần được mổ xẻ, phân tích, kiến nghị, việc đưa bảng giá đất sát với giá thị trường vẫn chưa được giải quyết. Nhiều ý kiến đã được đề xuất như áp dụng bảng giá đất từ 3-5 năm, nâng giá đất trong khung giá, thậm chí bỏ hẳn việc ban hành bảng giá đất… nhưng đều gây nhiều tranh cãi.
Điều này dẫn đến thực trạng bảng giá đất do chính quyền công bố vẫn “đứng nhìn” giá đất thị trường nhảy múa, còn nếu điều chỉnh tăng sẽ là nhân tố đẩy giá đất thị trường lên. Việc không thống nhất giữa giá thị trường và giá trị thực của đất đang đẩy các cơ quan chức năng vào một tình thế khó: Không ban hành không được, còn ban hành thì chỉ để “làm cảnh”.