Sau khi gia nhập WTO, ngoài những thuận lợi đã nhận được, các DN Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc cạnh tranh với hàng hóa các nước. Từ ngày 1-1-2012, khi lộ trình cắt giảm thuế quan có hiệu lực, cuộc cạnh tranh sẽ còn gian nan hơn.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đạt 26,9 tỷ USD, tăng hơn 35% so với năm 2010. Giá trị hàng hóa tăng mạnh ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Nhìn vào con số lạc quan này, nhiều người nhận định việc gia nhập WTO đã mang lại không ít cơ hội và thuận lợi trong quá trình đưa hàng hóa thâm nhập thị trường thế giới.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại, trong tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 15,2 tỷ USD, xuất khẩu của DN Việt Nam chỉ được 11,7 tỷ USD. Con số này chứng tỏ hàng hóa trong nước vẫn chưa đóng góp đáng kể vào lĩnh vực xuất khẩu, sức cạnh tranh trên thị trường còn bộc lộ nhiều yếu kém.
![]() |
DN ngành nhựa đang cố gắng mở thị trường xuất khẩu sản |
Theo ông Nguyễn Trường Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM SX Minh Nguyên, mặc dù nhiều công ty trong nước đã nỗ lực cải thiện tình hình sản xuất như đầu tư khoa học công nghệ nhưng việc đầu tư vẫn chưa đúng mức, đa số máy móc nhập về là mua lại, đã qua sử dụng - do không đủ vốn để đầu tư máy móc mới công nghệ tiên tiến trong khi DN còn phải chịu sức ép rất lớn về các chi phí khác.
2 năm trở lại đây, trong việc đầu tư máy móc và mở rộng sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, để tránh rơi vào tình trạng kiệt quệ, các DN đều cân nhắc rất kỹ, hạn chế tình trạng chi phí đầu vào không ngừng tăng, phải vay tiền trả lãi cao mà sản phẩm làm ra giá trị thấp.
Trong khi đó, các công ty nước ngoài với nguồn vốn mạnh, không ngừng đầu tư đổi mới nâng cao chất lượng sản phẩm, nên chất lượng hàng Việt Nam vẫn còn thua kém, khi hội nhập sâu các hạn chế của hàng Việt Nam về chất lượng và khả năng cạnh tranh càng bộc lộ rõ.
Hiện nay, năng lực cạnh tranh và quá trình sản xuất hàng hóa của DN trong nước đã chậm tiến hơn các DN FDI. Theo ông Trần Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Ấn Nam, các ngành xuất khẩu chủ lực đã có những bứt phá ngoạn mục về giá trị, nhưng trên thực tế, phần lợi nhuận thu về chỉ là con số nhỏ do hàng hóa Việt Nam thường bị ép giá bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Khi sản phẩm Việt Nam vào các thị trường khác luôn bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng ngược lại, nước ta chưa áp dụng triệt để các biện pháp này để bảo vệ hàng hóa trong nước.
Trở lại với bài toán chất lượng, trong tương lai, nếu muốn giành lấy thị phần cả trong và ngoài nước, nhất định phải có chiến lược cụ thể, mang tính sáng tạo. Hiện tại, khi hàng hóa nước ta đến các nước đều gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm định chất lượng, các DN phải có tầm nhìn xa hơn, lựa chọn các ngành hàng có tiềm năng và lợi thế về nguồn cung để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của các nước với chi phí hợp lý.
Khi DN trong nước có thể đảm bảo sự hài hòa giữa quy mô sản xuất, giá thành sản phẩm và chất lượng, hàng hóa Việt Nam sẽ cạnh tranh bền vững hơn dù phải đối mặt với nhiều mặt hàng chất lượng cao từ các nước.
Nhanh chân ở sân nhà
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, hiện nay DN Việt Nam còn phải chịu đựng nhiều yếu tố ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh như thiếu vốn, thiếu đội ngũ quản lý chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi, trình độ khoa học công nghệ còn nhiều yếu kém, nguyên liệu sản xuất phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, vấn đề quảng bá thương hiệu, hình ảnh DN chưa được đầu tư đúng mức.
Những điểm yếu này về lâu dài, nếu không được khắc phục, sẽ khiến DN Việt Nam chịu nhiều sức ép khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế vốn rất năng động và biến động không ngừng. Những rủi ro thách thức này được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa khi đến ngày 1-1-2012, nước ta hoàn thành việc cắt giảm 60% tổng số thuế phải cắt giảm còn lại theo cam kết khi gia nhập WTO.
Bắt đầu từ thời điểm đó, các chế độ ưu đãi dành cho DN trong nước cũng hết hiệu lực, các DN phải “tự bơi” trong điều kiện mở cửa, hàng hóa từ các nước sẽ đổ về thị trường Việt Nam thông qua các công ty dịch vụ hàng hóa có vốn đầu tư nước ngoài.
Từ khi được phép tham gia hệ thống bán lẻ ở nước ta, các DN FDI đã có những bước tiến rất dài và sâu, từng bước thâm nhập thị trường không chỉ ở khu vực thành thị, mà đã có nhiều động thái cho thấy thị trường nông thôn cũng đang là mục tiêu hướng tới nhằm phủ rộng mạng lưới bán lẻ khắp nơi.
Đây là dấu hiệu đáng báo động, vì vậy, nếu không muốn thị trường trong nước rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, DN trong nước cần tìm ra những biện pháp mới, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống phân phối ở những địa điểm chưa được quan tâm, nhằm tránh những sức ép cạnh tranh có thể nhìn thấy trước.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu mở rộng hệ thống bán lẻ cần có chiến lược hợp lý, không vì quá vội vàng để phải gặp khó khăn trong kinh doanh về sau.
Như vậy, chỉ mới dừng lại ở thị trường bán lẻ đã thấy được sức ép đang đè nặng lên vai DN, nếu lộ trình cắt giảm thuế hoàn thành, chắc chắn nhiều thị trường hàng hóa khác sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ trong cuộc chiến giành thị phần.
Vì vậy, trong thời gian còn lại, DN Việt Nam nên có những động thái tích cực hơn để được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng hàng hóa của mình thay vì đến với hàng hóa nhập khẩu.