Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính ban hành Văn bản 20/VBHN-BTC hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK.
Hàng loạt quyết định xử phạt
Ngày 1-9, UBCKNN ban hành Quyết định 807/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK đối với ông Phan Sỹ Hải (Hà Nội), với số tiền phạt lên đến 550 triệu đồng. Nguyên nhân NĐT này đã sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua bán, tạo cung cầu giả tạo đối với mã VMD (CTCP Y dược phẩm Vimedimex).
Trước đó, UBCKNN đã banh hành quyết định xử phạt kỷ lục 600 triệu đồng đối với bà Trần Thị Minh Phượng (Gia Lai). Theo điều tra của UBCKNN, trong khoảng thời gian từ ngày 20-7-2015 đến ngày 1-4-2016, bà Trần Thị Minh Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 CTCK để giao dịch mã CP HNG (CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai), mục đích tạo cung cầu giả, thao túng CP HNG. Mức phạt này tính đến tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính có khối lượng và trị giá lớn quy định tại Điểm l Khoản 1, Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài các quyết định xử phạt trên, UBCKNN cũng đã ban hành hàng hàng loạt quyết định xử phạt đối với các NĐT vi phạm: báo cáo không đúng thời hạn về kết quả thực hiện giao dịch, không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch, không báo cáo khi có thay đổi về số lượng CP sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng, báo cáo không đúng thời hạn về việc dự kiến giao dịch, báo cáo không đúng thời hạn khi không còn là cổ đông lớn.
Đặc biệt, ngày 7-8, UBCKNN đã ban hành Quyết định 734/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Xuân Nghĩa (Nghệ An). Theo đó, ông Nghĩa bị phạt tổng số tiền 92,5 triệu đồng vi phạm hành chính: không báo cáo về sở hữu cho UBCKNN và Sở Giao dịch CK Hà Nội (HNX) sau khi đã trở thành cổ đông lớn của CTCP Khoáng sản Á Châu (AMC); không báo cáo UBCKNN, HNX khi có thay đổi về số lượng CP sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng CP.
Sau phạt tiền vẫn có thể truy tố hình sự
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm tràn lan là các chế tài xử phạt hiện nay còn quá thấp, nếu so với khoản thu lợi bất chính từ những hành vi vi phạm.
Trước tình trạng này, ngày 22-8 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Văn bản 20/VBHN-BTC hợp nhất Thông tư 217/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK và Thông tư 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 217/2013/TT-BTC. Theo đó, nếu xét thấy dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Chẳng hạn, theo Khoản 3, Điều 29 Nghị định 108/2013/NĐ-CP được sửa đổi theo quy định tại Khoản 36, Điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP, khoản thu lợi bất chính phát sinh từ việc thực hiện các hành vi này trong khoảng thời gian thực hiện hành vi vi phạm, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí phải nộp. Số lợi bất hợp pháp được tính khi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mua CK vào hoặc bán CK ra để hiện thực hóa số lợi bất hợp pháp.
Trường hợp một người dùng nhiều tài khoản để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng TTCK, thì số lợi bất hợp pháp được tính trên tổng các tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng TTCK. Trường hợp một nhóm người thông đồng, cấu kết giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng TTCK, thì số lợi bất hợp pháp được tính trên từng tài khoản được sử dụng để giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng TTCK.
Sau khi xem xét số lợi bất hợp pháp đối với hành vi giao dịch nội bộ hoặc giao dịch thao túng TTCK, nếu giá trị số lợi bất hợp pháp hoặc mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62, Luật xử lý vi phạm hành chính.