TPHCM có cấu trúc cư trú với hai phần rõ rệt là mặt tiền và hẻm. Mặt tiền thì sôi động với các hoạt động kinh doanh, du lịch, giao thông, còn hẻm là nơi diễn ra cuộc sống thường nhật của dân cư bình dân nên luôn bình yên.
Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu 20, thành phố này xuất hiện kiểu nhà phố (shop house), và theo dòng thời gian nó hình thành nên một nền kinh tế mặt tiền, vỉa hè. Từ năm 1990, khi thành phố chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập với kinh tế thế giới, đón hàng triệu du khách, kinh tế mặt tiền càng trở nên phát triển mạnh mẽ. Khi này xuất hiện bộ ba là cửa hàng mặt tiền, hàng rong vỉa hè và xe máy.
Từ đó một hình thái độc đáo và duy nhất trên thế giới mà người đi đường có thể phi thẳng xe máy lên vỉa hè, móc tiền ra mua hàng ở cửa hàng xong là lượn ngay đi. Những dãy phố chuyên doanh dày đặc giăng mắc khắp nơi tạo ra sự thuận tiện cho mua bán trao đổi, còn người nước ngoài mê mẩn đi khắp thành phố khám phá những con phố chuyên doanh như phố đồ cổ, vàng bạc, thời trang, sơn mài mỹ nghệ, ẩm thực, mây tre…
Những tưởng bức tranh nhà kinh doanh mặt phố sẽ tồn tại mãi, nhưng đùng một cái nó bị đóng cửa hoàn toàn do đại địch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm, hết dịch tưởng chừng sẽ trở lại bình thường, nhưng thực tế lại không như vậy.
Cho đến nay hầu như tất cả những con phố kinh doanh của TPHCM đều rơi vào tình trạng ế ẩm, cả dãy phố dài chỉ mở cửa được một số cửa hàng mà phần lớn là cà phê giải khát, ăn uống. Nhiều mặt tiền trước dịch có giá thuê lên đến hàng chục ngàn USD ở khu vực được coi là kim cương trung tâm thành phố, nhưng nay giảm giá mãi không có ai hỏi. Khu vực Chợ Lớn trước kia sầm uất là thế, nay cũng lạnh tanh.
Có người cho là do khủng hoảng kinh tế, người dân thắt chặt chi tiêu. Điều đó đúng, nhưng chưa phải là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính là thương mại trực tuyến lên ngôi.
Bây giờ mua cái gì họ cũng đặt qua mạng từ đồ ăn thức uống, quần áo, thiết bị điện tử, đồ gia dụng đến vé may bay. Mỗi người dân đều có ít nhất 1 cái smart phone, họ không còn xa lạ với Shopee, Lazada, Alibaba. Các chuyên gia ước tính thương mại điện tử chiếm khoảng 40-60% tổng lượng hàng hóa trên thị trường.
Thế là một hiện tượng chưa bao giờ có, những dãy phố cửa đóng im ỉm hết ngày này qua ngày khác, những nơi đắc địa như Lê Lợi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ cũng chỉ mở cửa được 50-60%, những trung tâm điện máy sầm uất một thời như Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, Điện máy xanh nay cũng thưa khách. Nhà sản xuất bây giờ không cần cửa hàng bán lẻ nữa mà chỉ cần một đội ngũ chuyên nghiệp bán hàng qua mạng.
Trung Quốc nổi tiếng là thị trường bán lẻ, nay đến hơn 60% giao dịch qua mạng. Một hình ảnh trái ngược nhau trước và sau. Khi trước làm ăn được, các cửa hàng ăn nên làm ra thì thấy rất sầm uất, lung linh, trang hoàng bắt mắt, người ra vào nườm nượp, cửa hàng sáng choang, đèn màu chớp nháy, những nhân viên phục vụ ăn mặc đẹp đứng tràn ra cửa đón khách, còn khi không còn hoạt động thì bộc lộ ra những cái xấu xí.
Hầu như tất cả các cửa hàng mặt tiền đều giống nhau là cửa cuốn bằng sắt cùng sơn một màu ghi hay xanh xám, nay đóng lại im ỉm lạnh tanh, khô khốc, và chỉ vài ngày sau là xuất hiện những hình vẽ graffiti kỳ quái, xấu xí, nhăng nhít, thậm chí những chữ viết, ký hiệu rất phản cảm, tục tĩu.
Theo ghi nhận thực tế của cánh nhà báo, dọc tuyến đường Lê Lợi có hơn 70 căn nhà kinh doanh có cánh cửa cuốn bị phủ kín hình vẽ bậy lớn nhỏ. Hình vẽ lớn nhất có thể dài hơn 1m. Người phun sơn không chỉ là người Việt, còn cả người nước ngoài. Mới đây nhất, anh chàng E.C.J. (SN 1996, quốc tịch New Zealand), bị phạt 1,5 triệu đồng vì vẽ bậy trên cánh cửa một cửa hàng trên đường Nguyễn Du, và phải xóa hình vẽ do anh ta tạo ra.
Ngoài ra, các bảng hiệu làm bằng sắt, kính, nhôm, bạt bị biến dạng do không được chăm sóc, cái thì rách nát, dây điện lòng thòng, lòi cả xương sắt ra, có cái nghiêng ngả chực đổ xuống đầu người đi đường. Thêm vào nữa, mặt tiền, bảng hiệu của cửa hàng nào cũng chi chít những miếng dán xanh đỏ đè lên nhau ghi số điện thoại giới thiệu, mời chào thuê mặt bằng.
Lớp sơn mặt tiền không được chăm sóc ố màu loang lổ, rêu phong, cỏ mọc và những bãi thải khai mùi xú uế mà những người tiểu bậy trút xuống. Những dãy phố dài rất xấu xí như thế có thể bắt gặp ở ngay trung tâm thành phố, ở Chợ Lớn và dọc các tuyến phố.
Tình trạng này không nên kéo dài thêm nữa, mà cần phải khắc phục càng sớm càng tốt. Vẫn biết loại hình kinh doanh mặt phố ngày càng giảm sút, không bao giờ trở lại được thời kỳ hoàng kim nữa, nhưng cần có sự tham gia của chính quyền thành phố, của quận, phường và các gia chủ để thay đổi hình thức bên ngoài của các tuyến phố, không thể để nhếch nhác như hiện nay, nhất là TPHCM muốn thu hút 7,8 triệu khách du lịch mỗi năm.
Trước mắt là tháo bỏ các bảng quảng cáo không còn sử dụng, làm sạch các hình vẽ phảm cảm, về lâu dài cần thay đổi mặt tiền nhà sao cho đẹp hơn, sinh động và nghệ thuật hơn, với vật liệu, màu sắc, cây xanh và vật trang trí.
Việc cải tạo hình thức các tuyến phố là cần thiết, do vậy cần có sự vào cuộc không chỉ các cơ quan chức năng, mà còn các hiệp hội nghề nghiệp, các kiến trúc sư, các nhà thiết kế làm sao có được các tuyến phố có sức sống thay cho những tuyến phố buồn tẻ như hiện nay.
Đến nhiều thành phố du lịch ở châu Âu, Nam Mỹ mới thấy không phải là nhà nào cũng mở cửa hàng, nhưng họ rất ý thức làm đẹp ngôi nhà, mặt tiền của nhà mình như một sự đóng góp làm cho thành phố đẹp hơn, đáng yêu hơn.
Họ ý thực được một thành phố hút khách du lịch là cộng hưởng từ những căn nhà, góc phố, từ những viên đá lát đường đến hàng rào, từ cây xanh đến chuông gió, và họa tiết ở tay nắm cửa. Điều này cuốn hút và níu giữ du khách.
Những dãy phố dài, cửa cuốn một màu xám xịt không còn phù hợp nữa, những hình vẽ dày đặc nhăng nhít không nên tồn tại nữa, cần thay vào đó hình ảnh đẹp hơn của một thành phố được gọi là đáng sống và hấp dẫn.