(ĐTTCO) - Dự báo này được bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng Cục Thống kê, đưa ra trong cuộc họp mới đây tại Hà Nội.
![]() |
Theo vị này, xu hướng chung những năm gần đây chỉ số lạm phát (CPI) ở mức cao thường duy trì dài hơn ở mức thấp, vì vậy có khả năng CPI năm 2016 có thể tăng trở lại ở mức cao, nếu không có những biện pháp điều hành gắt gao, CPI có thể vượt 5%.
Cũng theo bà Thủy, có 4 nguyên nhân khiến CPI năm 2016 tăng cao trở lại, đó là việc điều chỉnh giá các nhóm hàng dịch vụ công và hàng thiết yếu như tăng giá hàng dịch vụ giáo dục gây sức ép vào quý I-2016. Thứ hai, khả năng tăng giá dịch vụ y tế sắp tới sẽ tác động mạnh đến CPI trong quý I. Tiếp đó, khả năng tăng giá điện trong năm 2016 cũng tác động không nhỏ đến lạm phát. Cuối cùng, việc tăng lương cơ bản 5% vào thời điểm 1-5-2016 sẽ tác động đến mức tăng CPI cả năm.
Ngược lại, giá dầu thô giảm trong năm 2016 có thể kéo CPI giảm xuống. Sản lượng khai thác dầu thô thế giới đang tăng lên, nhất là thêm nguồn cung từ Hoa Kỳ và Iran nên giá dầu thô còn cơ hội giảm. Ngoài ra, giá nông sản năm tới cũng có thể làm giảm CPI.
Trong khi đó, năm 2015 chỉ số CPI chỉ tăng 0,63%, tăng thấp nhất trong 14 năm kể từ năm 2011. Theo Tổng cục Thống kê, CPI giữ ở mức thấp và ổn định trong cả năm đã tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường.
Mối quan hệ giữa lạm phát tăng trưởng tại Việt Nam hiện nay không theo quan hệ tuyến tính, tức là không có lạm phát cao thì mới tăng trưởng cao. Hiện nay các nước đều khống chế ngưỡng lạm phát, như các nước đang phát triển trên 10%, nhưng với Việt Nam lạm phát khoảng 7- 8%/năm là phù hợp. Nguyễn Bích Lâm |
Về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho rằng nếu lạm phát quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Do đó, phải kiểm soát lạm phát ở mức độ phù hợp. Như Việt Nam đặt mục tiêu khống chế lạm phát tăng 5-7%/năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
So với thời điểm năm 2008, CPI tăng gần 23% nhưng tăng trưởng chỉ 5-6%, trong khi những năm gần đây CPI dưới 5% nhưng tăng trưởng lại đạt gần 6%. Như vậy, CPI ở mức độ nào đó vẫn thúc đẩy tăng trưởng.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra do doanh nghiệp FDI đóng góp lớn vào tăng trưởng, nhưng giá hàng xuất khẩu cũng không tác động lên giá cả trong nước. Hơn nữa, CPI năm nay thấp không phải do sức mua của người dân giảm đi, chủ yếu do chi phí đẩy giảm. Đây là yếu tố rất có lợi cho sản xuất, khiến sản xuất kinh doanh có lợi hơn, người dân được hưởng lợi hơn.
Tuy vậy, nguy cơ lạm phát cao trong những năm tới vẫn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, việc theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững rất quan trọng. Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ngắn, do đó phải kiểm soát lạm phát chủ động, chứ không nên chờ lạm phát cao rồi mới kiểm soát. Như vậy mới đảm bảo kinh tế tăng trưởng bền vững.