Điều này khiến thời hạn của việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm bớt các biện pháp kích thích trở nên thiếu chắc chắn.
Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.803,69 USD/ounce vào lúc 1 giờ 35 phút (sáng 15/9 theo giờ Việt Nam). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tăng 0,7% lên 1.807,10 USD/ounce.
Yếu tố chính tác động lên thị trường là chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi của Mỹ chỉ tăng 0,1% trong tháng 8/2021, thấp hơn kỳ vọng 0,3% và "đè nặng" lên đồng USD. Đó cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021 và theo sau mức tăng 0,3% trong tháng Bảy.
Bà Suki Cooper, nhà phân tích thị trường kim loại quý tại ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) nhận định mặc dù một thông báo cắt giảm dần các chính sách hỗ trợ sẽ khó xảy ra cho đến cuộc họp tháng 11/2021 của Fed, song cuộc họp tháng Chín nhiều khả năng sẽ đưa ra các dự báo của các quan chức Fed - còn gọi là “chỉ dấu hướng dẫn” cho năm 2024.
Nhiều khả năng trong năm 2024, Fed sẽ thực hiện hai lần tăng lãi suất tương tự như dự kiến của năm 2023.
Bên cạnh đó, số liệu lạm phát có thể củng cố quan điểm rằng Fed có thể chậm lại trong việc rút các biện pháp hỗ trợ kinh tế và giữ lãi suất ở mức thấp. Lãi suất giảm sẽ hạ thấp chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi - loại tài sản/kênh đầu tư không có lãi suất.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường các kim loại khác, giá palladium phiên này giảm 5,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020 là 1.973,47 USD/ounce. Chỉ tính riêng trong tháng Chín, giá palladium đã giảm gần 20%.
Giá bạch kim phiên 14/9 cũng để mất 2,1% xuống 941,06 USD/ounce. Ngược lại, giá bạc tăng 0,5% lên 23,84 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 15/9, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 56,65 - 57,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).