Lạm phát đẩy lãi suất
Sau khi ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank) tăng lãi suất huy động vào tuần đầu tháng 3/2021 thì một loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động theo.
Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cùng tăng 0,3 điểm phần trăm với kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,7 và 0,9 điểm phần trăm với kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng Quân đội (MB Bank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm đối với một số kỳ hạn. Theo đó lãi suất kỳ hạn 12 tháng được nâng lên 5,3%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng được nâng lên 4,68%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn cũng vừa điều chỉnh lãi suất, theo đó lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt tăng lên mức 3,95%/năm, chỉ thấp hơn 0,05 điểm phần trăm so với mức trần. Kỳ hạn 6 tháng lãi suất ở mức 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm.
Sacombank tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1-0,2 điểm phần trăm, nâng kỳ hạn 1 tháng lên mức 3,1%/năm, kỳ hạn 3 tháng lên 3,4%/năm, kỳ hạn 6 và 12 tháng lên 4,8%/năm và 5,6%/năm, kỳ hạn 36 tháng lên 6,3%/năm
Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) cũng trả lãi suất cao nhất là 7,0%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 và 36 tháng. Với kỳ hạn 6 tháng đến 9 tháng, lãi suất dao động từ 5,7-5,7%/năm.
Hiện lãi suất huy động cao nhất thuộc về ngân hàng Việt Á, lên tới 7,1%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi ở kỳ hạn 15 và 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ; 6,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng đến 9 tháng.
Đây là mức lãi suất niêm yết chính thức, không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với từng khách (khách quen, VIP, gửi tiền nhiều). Trong khi đó, lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1 đến 0,5 điểm phần trăm so với gửi tại quầy.
Việc điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng diễn ra trong bối cảnh lạm phát tháng 2 tăng với tốc độ cao nhất 8 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, do lạm phát tăng nên các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất. Nếu giữ lãi suất thấp sẽ khó thu hút được tiền gửi dân cư để đáp ứng nhu cầu vốn khi nền kinh tế phục hồi.
Mặt bằng lãi suất mới?
Mặc dù vậy, một số ý kiến phản ánh lạm phát chưa có dấu hiệu “nóng”, chỉ số CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2021 vẫn giảm 0,14% so với cùng kỳ năm 2020. Do vậy, làn sóng tăng lãi suất chưa lan rộng, trong khi thanh khoản thị trường còn khá dồi dào và cầu tín dụng chưa tăng cao.
Dù các ngân hàng đang bước vào đợt tăng lãi suất, song so với trước đây, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp. Mức lãi suất huy động mà các ngân hàng áp dụng toàn thị trường hiện cao nhất chỉ khoảng 6,9%/năm kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ. Còn một số ngân hàng lại vừa giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên, các dự báo đều nhận định lãi suất sẽ thiết lập mặt bằng mới vào quý 2/2021. Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, lạm phát tháng 3 tiếp tục xu hướng tăng. Ngoài xăng dầu tăng giá thì việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 khiến nhu cầu ở nhóm dịch vụ ăn uống, giải trí và đi lại tăng lên. Bên cạnh đó, yếu tố từ ngoài nước cũng đang gây áp lực lên lạm phát. Trên thế giới, nhiều ngân hàng Trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đưa ra thông điệp sẵn sàng chấp nhận lạm phát có thể tăng. Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ có thể làm nền kinh tế thế giới bị "quá nhiệt" và làm tăng lạm phát.
Một số dự báo cho thấy, giá dầu sẽ đạt 70 USD/thùng vào quý 2/2021 và 75 USD/thùng vào quý 3/2021. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng trong quý 2 và quý 3/2021. Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, nhưng giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, thì ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% khi giá xăng RON95 tăng lên 20.500 đồng/lít.
Cùng với nhu cầu về vốn tăng lên từ quý 2/2021, các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động. Khi các các ngân hàng TMCP nhỏ tăng lãi suất sẽ gây áp lực tới các ngân hàng khác và “cuộc đua” lãi suất lại có thể bắt đầu.
Lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo. Như vậy, hy vọng vay vốn lãi suất thấp của doanh nghiệp ngày càng xa vời.