Hơn 25 tỷ USD để hoàn thành tất cả các tuyến metro của TPHCM, cho đến thời điểm này, do nhiều nguyên nhân, trong đó có dịch Covid-19, nên đã trở nên khó tìm kiếm hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, TPHCM chỉ cần làm quy hoạch tốt, bản thân quỹ đất xung quanh nhà ga metro sẽ dư sức tạo vốn để làm metro.
Thu hồi đất không để xen kẽ lợi ích cá nhân
PHÓNG VIÊN: Thành phố Đà Nẵng là điểm sáng trong việc quy hoạch đô thị. Liệu đây có thể là mô hình cho TPHCM?
Ông ĐẶNG HÙNG VÕ: Trên thực tiễn, TP Đà Nẵng đã làm rất tốt việc này. Giải phóng mặt bằng theo đúng quy hoạch mới của đô thị, sau đó tổ chức tái định cư theo nguyên tắc đền bù thỏa đáng cho người bị thu hồi đất. Điều kiện để Đà Nẵng làm việc này là giá trị đất tăng lên rất nhiều so với tiền chi cho thu hồi đất và bồi thường hỗ trợ tái định cư. Nhờ đó, Đà Nẵng đã xây dựng được một thành phố được đánh giá đáng sống, thu hút được du lịch!
Như vậy, có thể rút ra được bài học: Cần phải có quy hoạch rất cụ thể, có lịch trình thực hiện quy hoạch đó sao cho chi phí thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đủ đảm bảo lợi ích cho những người phải thay đổi chỗ ở trong quá trình thực hiện quy hoạch. Từ đây, nhà nước sẽ thu được giá trị đất tăng lên do chính sách đầu tư của nhà nước mang lại.
TPHCM là siêu đô thị, lớn hơn rất nhiều so với Đà Nẵng. Tham khảo kinh nghiệm nhưng không nên “rập khuôn” cách làm của Đà Nẵng mà cần sáng tạo cách làm của những siêu đô thị. Đầu tiên, TPHCM cần có quy hoạch hết sức hợp lý cho các tuyến đường mới, những tuyến metro mới, các ga metro rồi từ đây sẽ “nhìn” thấy được giá trị đất ở những khu vực nào sẽ tăng lên ra sao.
Cũng từ đây thành phố sẽ đưa ra trình tự thu hồi đất như thế nào để giải quyết tốt đời sống, lợi ích của những người tái định cư tại chỗ hoặc sang chỗ khác. Đồng thời, không gian đất được quy hoạch lại, sắp xếp lại, có giá trị tăng lên… sẽ hoàn toàn thuộc về Nhà nước
-Thưa ông, trở lại câu chuyện rất cũ đã diễn ra lâu nay ở hầu hết các dự án phát triển hạ tầng… đó là khó đền bù giải phóng mặt bằng. Theo ông, bằng giải pháp nào người dân, cụ thể là người có đất, thấy hài lòng để di dời, để lại đất cho Nhà nước thực hiện dự án?
-Bí quyết quan trọng nhất, là việc làm này đừng để xen kẽ lợi ích cá nhân, mà chúng ta vẫn gọi là các rủi ro tham nhũng. Nếu tất cả những người thực thi pháp luật đều minh bạch thì Nhà nước hoàn toàn có thể làm được.
Theo tôi, lâu nay xảy ra lùm xùm ở nhiều nơi, hầu hết đều xuất phát từ việc gắn lợi ích cá nhân của một nhà đầu tư nào đó thân cận với chính quyền, rồi kể cả lợi ích của những người nắm giữ chính quyền, vào công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trên thực tế, nhiều vụ việc như vậy đã bị phanh phui.
Từ những vụ việc đó, chúng ta rút ra cách làm là, một mặt hết sức minh bạch, nhưng quan trọng nhất là chia sẻ lợi ích cho tất cả các bên liên quan. Bởi vì, quá trình đầu tư diễn ra thì dứt khoát giá đất sẽ tăng lên, vấn đề còn lại là lợi ích tăng lên đó sẽ chia sẻ như thế nào giữa Nhà nước, chủ đầu tư dự án mới sẽ sử dụng đất bị thu hồi và những người bị thu hồi đất?
Câu chuyện chia sẻ lợi ích không chỉ bằng tiền, mà kể cả bằng những chính sách khác. Tôi lấy ví dụ, một người có 100m2 đất, bị thu hồi 50m2, thì diện tích đất để lại họ sẽ vui lòng hơn là chúng ta lấy hết của họ rồi chuyển cho nhà đầu tư khác. Như vậy, bài toán chia sẻ lợi ích rất cần sự công bằng, minh bạch, không bị chen vào lợi ích cá nhân thì sẽ giải quyết được vấn đề!
Mọi quá trình đều phải minh bạch
-Ở nhiều nước trên thế giới mà ông biết, họ thực hiện giải phóng mặt bằng có sự khác biệt gì so với nước ta?
-Thứ nhất, họ thực hiện cơ chế “quản trị tốt” mà lâu nay chúng ta vẫn dùng nhưng thật ra không thấu hiểu hết nội dung. “Quản trị tốt” có 3 yêu cầu, một là mọi quá trình, thông tin phải minh bạch (thu hồi đất lúc nào, bao nhiêu, của ai để làm gì, mức bồi thường bao nhiêu); thứ hai, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào đóng góp ý kiến, giám sát trong quá trình thực hiện; thứ ba, trước ý kiến của người dân thì chính quyền phải giải trình như thế nào.
Đó là quá trình rất vất vả nhưng lại tạo ra hiệu quả rất to lớn. Thành phố bình yên, khiếu kiện không có, về lợi ích thì ai cũng thấy thỏa đáng. Thực ra, lâu nay chúng ta cũng công khai quy hoạch, rồi lấy ý người dân, nhưng lại không phân loại riêng ra, các ý kiến túm chung lại rồi đưa ra nhận xét theo lợi ích cá nhân chi phối; lúc đó, việc lấy ý kiến không còn khách quan nữa.
-Theo ông, đối với hàng loạt tuyến metro đã và đang thực hiện tại TPHCM, để khai thác hiệu quả quỹ đất xung quanh ga metro, thì chính sách thực hiện của chính quyền thành phố và sự trợ giúp của Chính phủ thông qua các chính sách, cơ chế như thế nào?
-Chúng ta có lực lượng chuyên gia rất mạnh, nhưng gần như chưa có nhiều ý kiến tham gia vào các sự việc của chính quyền một cách chính thức. Chuyên gia thường có ý kiến khách quan nên thành phố cần tham khảo. TPHCM có đông các chuyên gia đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Mối liên kết chính quyền với lực lượng này cần thiết lập cho thật tốt.
Đối với một phương án quy hoạch, tôi cho rằng, có lực lượng chuyên gia tham gia ngay từ đầu, chính họ sẽ thuyết phục người dân tốt hơn là chính quyền. Rồi kể cả sự tham gia của các hiệp hội… Khi đã có quy hoạch các tuyến metro, chính quyền sẽ tính toán khu vực nào giá đất sẽ tăng lên nhờ quy hoạch này, rồi đưa ra kế hoạch làm thế nào để thu lợi được giá trị đất đai tăng lên từ các điểm đó.
Ví dụ, có người hỏi tôi tại sao việc đầu tư sân bay Long Thành lại bị lẩn quẩn chuyện vốn, tính mãi không ra? Tôi bảo, chúng ta làm quy hoạch đi, thành lập hẳn một TP Long Thành, trong đó có sân bay. Ta dùng giá trị đất đai tăng lên tại TP Long Thành để đầu tư sân bay, lúc đó không mất đồng nào.
Tương tự như vậy với các tuyến metro tại TPHCM. Ta hãy nhìn vào phần đô thị phát triển do tuyến metro mang lại, đấy chính là giá trị để dùng nó xây dựng ngay tuyến metro đó.
-Nếu nói như ông, với cách làm như vậy ngân sách sẽ thu lại lợi lớn mà không phải bỏ ra đồng nào để làm metro?
-Thực ra, ông Hernando de Soto người Peru đã xuất bản quyển sách được dịch sang tiếng Việt mang tên Bí ẩn của vốn đã khẳng định điều đó. Ông ta đưa ra lý thuyết chứng minh rằng, tất cả các nước đang phát triển không cần vốn FDI để phát triển mà chỉ cần dùng vốn ngay từ đất, miễn là biết cách sử dụng.
Tất cả các quốc gia biết sử dụng vốn như vậy sẽ phát triển và trở thành các nước công nghiệp phát triển mạnh. Lý thuyết này đã được ông chứng minh rõ ràng và ai cũng thấy hợp lý.
Diện mạo TPHCM sẽ thay đổi lớn Cứ nhìn vào quy hoạch các tuyến metro tại TPHCM như tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 (giai đoạn 1) Bến Thành - Tham Lương và từ Bến Thành kéo dài tới Thủ Thiêm và từ Tham Lương kéo dài tới Đô thị Tây Bắc (giai đoạn 2); tuyến số 3 Bến Thành - Bến xe miền Tây và từ Bến xe miền Tây kéo thêm tới Tân Kiên; tuyến số 4 sân bay Tân Sơn Nhất - Lăng Cha Cả; tuyến số 5 cầu Sài Gòn - Bến xe Cần Giuộc… Không khó để hình dung diện mạo TPHCM sẽ thay đổi như thế nào nếu quỹ đất dọc các tuyến metro này được khai thác hiệu quả. Chắc chắn rất nhiều khu vực dân cư thấp tầng, nhà cửa lụp xụp, hẻm nhỏ ngoằn ngoèo không an toàn phòng cháy, chữa cháy… nằm trong ranh giải tỏa để chỉnh trang đô thị sẽ “thay da đổi thịt” theo hướng hiện đại hơn, an toàn hơn. Hệ thống metro gần như vươn khắp các khu vực của thành phố, do đó sự thay đổi này sẽ rất lớn và bao trùm nếu việc chỉnh trang được thực hiện đồng bộ với việc xây dựng và vận hành các tuyến metro. Tất nhiên, những công trình kiến trúc có giá trị, những di tích lịch sử, hồn cốt Sài Gòn - TPHCM sẽ được giữ gìn nếu trong các đồ án quy hoạch chỉnh trang đô thị đặt ra rõ ràng yêu cầu ấy. Và trong quá trình thực thi chỉnh trang đô thị, việc tuân thủ đúng quy hoạch được làm nghiêm, mọi sai phạm đều bị xử lý nghiêm. |