Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 (Luật Chứng khoán 2019) được Quốc hội khóa 14 thông qua tại Kỳ họp thứ 8 ngày 26-11-2019 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.
Tại Luật Chứng khoán 2019, Chính phủ được giao quy định chi tiết 29 điều, khoản. Do vậy, việc ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán 2019 là cần thiết để triển khai áp dụng luật.
Theo ông Hải, sự phát triển của thị trường chứng khoán đòi hỏi phải có sự điều chỉnh của hệ thống cơ sở pháp lý nhằm bổ sung các quy định mới, sửa đổi các quy định không còn phù hợp với trình độ phát triển của thị trường và tăng cường khả năng hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam vào thị trường vốn của khu vực và quốc tế.
Hiện nay, các hoạt động trên thị trường chứng khoán ngoài việc được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán, còn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư. Do vậy, một số quy định tại các nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán hiện hành cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng khẳng định, việc xây dựng nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán 2019 sẽ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này cũng sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên thị trường chứng khoán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân trên thị trường chứng khoán, đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán.
“Trong dự thảo nghị định lần này cũng bổ sung điều khoản nghiêm cấm thành viên trong nội bộ công ty chứng khoán đưa ra những nhận xét, bình luận, cung cấp thông tin về mã cổ phiếu trước khi đơn vị niêm yết lên sàn để chào bán công khai. Quy định mới này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và tránh gây nhiễu loạn thông tin thị trường”- ông Hải nói.
Về một số vướng mắc cần điều chỉnh, theo ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, CTCK SSI, cần cân nhắc quy định giao cho tổ chức phát hành xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bởi tổ chức phát hành chỉ có thể xác định đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi chào bán sơ cấp, còn giao dịch thứ cấp giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau cần bên thứ ba xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tổ chức phát hành không thể tiếp tục xác định các nhà đầu tư khác có phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không để hỗ trợ giao dịch thứ cấp.
Ngoài ra, đối với quy định liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, ông Long cũng cho rằng quy định này chưa thực sự phù hợp bởi trách nhiệm tuân thủ tỷ lệ sở hữu trước tiên phải thuộc về bản thân nhà đầu tư và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhà đầu tư khi thực hiện đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do đó, ông Long đề xuất sửa lại là nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ các quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.