Làm sao chống lại vấn nạn hàng giả trên 'chợ online'?

(ĐTTCO)-Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh vấn nạn “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn tồn tại khi cùng một loại hàng hóa nhưng lại được đăng bán với rất nhiều tên gọi, chất lượng không đảm bảo.
Làm sao chống lại vấn nạn hàng giả trên 'chợ online'?

Tiện lợi, nhanh chóng là những ưu điểm nổi trội của thương mại điện tử. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức bán hàng này để kiếm lời, bằng cách tuồn vào tiêu thụ hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vấn nạn này đang trở nên nhức nhối, thủ đoạn cũng ngày một tinh vi hơn, song hành với sự phát triển của công nghệ.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính:

Mua bán online là một trong những công cụ mới rất thuận lợi cho cả người mua và người bán. Nó giúp tiết kiệm chi phí kho bãi, mặt bằng so với cửa hàng truyền thống, tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm đếm, bảo hiểm với hàng hóa...

Tuy nhiên, vấn nạn “treo đầu dê bán thịt chó” vẫn tồn tại khi cùng một loại hàng hóa nhưng lại được đăng bán với rất nhiều tên gọi, chức năng khác nhau, chất lượng không đảm bảo. Nhiều hàng hóa không được phép kiểm tra, thậm chí còn phải phải trả tiền trước rồi mới nhận hàng. Trong những trường hợp này, hàng giả, hàng nhái rất dễ xảy ra.

Điều này không chỉ làm giảm lòng tin, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của khách hàng, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính mà còn tác động đến cả dòng vốn đầu tư.

Việc xử lý vi phạm bản quyền còn thiếu triệt để sẽ khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài hoặc trong nước ngại ngần đầu tư kéo theo nhu cầu việc làm và tăng trưởng kinh tế cũng giảm sút.

Do đó, các sàn thương mại điện tử cần có những quy định chặt chẽ đối với các gian hàng (shop) về hóa đơn, chứng từ, chứng minh xuất xứ hàng hóa một cách minh bạch, chính xác. Hoạt động quảng cáo cũng cần được siết lại để tránh tình trạng quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, cùng món hàng nhưng mỗi shop lại đăng một tính năng khác nhau với giá bán chênh lệch lớn.

Khi có những quy định rõ ràng, cụ thể như vậy, nếu các chủ gian hàng không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh:

Đặc điểm của thương mại điện tử là đa phần các giao dịch đều dưới dạng ẩn danh. Nếu các sàn thương mại điện tử buộc các bên phải cung cấp thông tin đầy đủ để xác thực danh tính một cách khắt khe thì sẽ khó phát triển nhanh trong khi vốn đầu tư lại rất nhiều.

Để vừa đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận vừa cung cấp được hàng hóa đảm bảo chất lượng, các sàn thương mại điện tử nên đặt ra các quy định đối với các gian hàng. Cụ thể, các shop chính thống, cung đầy đủ thông tin sẽ được đóng một khoản phí ưu đãi hơn và được hiển thị trong khu vực “đã được xác thực.”

Tại khu vực này, uy tín của shop được nâng cao hơn, người tiêu dùng cũng có thể tiếp cận đầy đủ thông tin hàng hóa chất lượng.

Nhưng để vào được khu vực ưu tiên này, các shop cũng phải đáp ứng được đầy đủ các quy trình, yêu cầu tiêu chuẩn tối thiểu do nhà sản xuất đặt ra. Đó là cơ hội để nhà sản xuất giới thiệu đầy đủ, chính xác nhất về hàng hóa của mình cho người tiêu dùng so sánh, đối chiếu.

Trên thị trường, nhiều người mong muốn mua hàng rẻ tiền nhưng cũng có những người chấp nhận chi trả cao hơn để có được hàng chính hãng. Khi có hai cửa hàng đặt cạnh nhau thì hiệu ứng sẽ rất cao. Lúc này, hàng giả, hàng nhái sẽ không còn đất sống trên môi trường internet.

Về phía người tiêu dùng, nếu như trước kia mua hàng truyền thống có thể sờ, nắm kiểm tra thậm chí còn cho chạy thử thì với môi trường online, đôi khi phải thanh toán hết tiền rồi mới được kiểm tra hàng. Lúc đó, nếu phát hiện hàng kém chất lượng lại quay về quy trình khiếu nại, rất mất thời gian.

Vì thế, trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên đặt ra một vài tiêu chí như: chọn mua tại các sàn thương mại có uy tín, so sánh, đối chiếu hàng hóa giữa các gian hàng, tìm kiếm thông tin về hàng hóa trên mạng internet để có cái nhìn tổng thể...

Liên quan đến hành lang pháp lý, các cơ quan chức năng, cán bộ thực thi công vụ đôi khi cũng chịu bó tay khi quy trình giám định buộc phải có hàng đối chứng và có đơn vị giám định. Việc có hàng trên môi trường online đã là rất khó khăn, lại thêm việc đối chứng với hàng thật. Nhiều mặt hàng không có đơn vị giám định hoặc chi phí giám định quá lớn. Và để ra được toàn bộ kết quả giám định phải mất từ 1-3 tháng. Trong khi môi trường thương mại điện tử, chỉ cần thấy “động” là toàn bộ gian hàng, kho hàng, cả những người bán hàng lập tức biến mất không một dấu vết.

Bởi vậy, để xử lý hiệu quả hành vi gian lận thương mại trên môi trường online, cần thiết phải có các công cụ online để quét, truy vết, khi xuất hiện hàng giả thì sẽ định danh ngay được nó ở khu vực nào.

Để xây dựng công cụ này không khó nhưng cần có một nền tảng dữ liệu đồ sộ về hàng hóa. Chính cộng đồng doanh nghiệp, các nhà phân phối, làm ăn chân chính muốn được bảo vệ, sẽ phải cung cấp những thông tin này một cách đầy đủ, chính xác.

Ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM:

Tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang ngày một tinh vi, phức tạp với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.

Đa phần các đối tượng lợi dụng tiêu chí “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam. Hàng hóa nhập lậu bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt về các kho chứa hàng.

Sau đó, các đối tượng vi phạm đã sử dụng hình thức thương mại điện tử để phổ biến, giới thiệu, phân phối các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu cũng như xâm phạm quyền, giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đến tận tay người tiêu dùng bằng phương thức giao hàng online.

Kinh doanh hàng giả, vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về rất cao nên một số tổ chức, cá nhân, mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử lý nhiều lần, vẫn tiếp tục vi phạm, có hiện tượng xem thường pháp luật.

Thời gian qua, nhiều phản ánh của báo chí, đơn tố cáo của người dân, doanh nghiệp về vấn đề gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đã giúp các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm này.

Tuy nhiên, số lượng này mới chỉ chiếm 10% tổng số các vụ việc được xử lý, số còn lại là do công chức thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tiến hành thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định. Do vậy, để tăng hiệu quả phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành.

Các tin khác