Lặn lội thân cò miền cửa biển

(ĐTTCO) - Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, Nam Định có cửa biển Ba Lạt, là nơi con sông Hồng hòa vào biển Đông. Vùng đất nơi đây với hàng ngàn ha nước lợ là nơi sinh sống của nhiều loại thủy hải sản. 
Phụ nữ đang vớt rong câu lên bè xốp để mang vào bờ phơi.
Phụ nữ đang vớt rong câu lên bè xốp để mang vào bờ phơi.

Với nguồn lợi thiên nhiên phong phú, hàng ngày có hàng trăm phụ nữ lặn lội từ khắp mọi nơi vào mưu sinh. Nắng gió, mặn tanh và những gian lao của cuộc mưu sinh khiến chúng ta liên tưởng họ với những con cò chăm chỉ kiếm ăn nơi bờ sông, đầm bãi.

Từ Hà Nội chúng tôi xuôi theo sông Hồng đến huyện miền biển Giao Thủy, Nam Định tới VQG Xuân Thủy cùng cảnh sắc mênh mông, bao la của trời đất, cây nước… VQG Xuân Thủy có tổng diện tích 7.100ha, cộng với 8.000ha vùng đệm thuộc 5 xã Giao An, Giao Xuân, Giao Lạc, Giao Thiện và Giao Hải. Nơi đây có hệ sinh thái rừng cây đước, cây vẹt xanh tốt, hút tầm mắt. Đến gần mọi người dễ dàng nhận ra mùi tanh nồng của những đám rong câu bên vệ đường. Những con thuyền tre đang lặng lẽ cắm sào đứng đợi trên các vũng, lạch nước nhỏ len lỏi giữa rừng cây xanh tươi.
Ở giữa VQG Xuân Thủy có một đài quan sát cao vài chục mét. Đứng trên đỉnh du khách có thể quan sát được bức tranh toàn cảnh cả một vùng sông nước, đầm phá mênh mông. Vẻ đẹp của những cồn đước nhỏ xanh tươi giữa vùng đầm bãi ven biển khiến thị giác của chúng tôi được phen thích thú. Màu đỏ của Hồng Hà giờ được pha với màu xanh nước biển tạo ra một phối màu lạ lẫm. Sau này khi thành lập VQG Xuân Thủy, cộng với việc người dân có ý thức trồng và bảo vệ hệ sinh thái, vùng cửa Ba Lạt mới có sự ổn định và những mảng màu xanh như hiện nay. Xuân Thủy cũng chính là một Ramsar (Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập mặn) đầu tiên của Đông Nam Á và của Việt Nam. Cho đến nay Việt Nam đã có thêm 7 khu Ramsar khác. 

2

Suốt 3 ngày lang thang dọc theo những con đường ngược xuôi VQG Xuân Thủy, hình ảnh chúng tôi bắt gặp nhiều nhất là những người phụ nữ đi ủng, đội nón, bịt khăn kín mặt, đạp xe mang theo xô nhựa, túi cói vào đây mưu sinh. Họ đến từ 5 xã vùng đệm của VQG và xa hơn là những xã khác của huyện Giao Thủy và Hải Hậu. Theo Ban quản lý VQG Xuân Thủy, từ năm 2012, người dân ở các xã vùng đệm và vùng ven được vào đây nuôi trồng và khai thác thủy hải sản cũng như mưu sinh bằng những nghề khác. Bình quân hàng ngày có 500-1.000 lượt người vào mưu sinh, sống dựa vào vùng đầm phá này.
Lặn lội thân cò miền cửa biển ảnh 1 Phụ nữ đang mưu sinh bằng nghề mua bán thủy hải sản ở chợ cá Giao Hải.
Trên con đường bê tông chạy thẳng qua vùng đầm phá, rừng sú đước chúng tôi gặp 2 người phụ nữ tên Mai và Hương, ở xã Giao Thiện, đang hụp lặn dưới những khoảnh nước. Họ dầm mình dưới nước phía trên là một chiếc bè tre, vớt từng mớ rong câu ở dưới đáy đầm để lên bè tre, đến khi nào đầy lại đẩy vào bờ. Nghỉ ngơi đôi phút, chị Nguyễn Thị Mai cho biết: “Chị em chúng tôi đi vớt, phơi rong câu ở thuê ở đây. Do là vùng nhiễm mặn nên diện tích trồng lúa, hoa màu chả có là bao, phụ nữ ở mấy làng xã quanh đây hầu hết đều vào đây kiếm sống. Công việc vớt phơi rong câu khá vất vả, bởi phải canh lúc nào nắng nhất mới vớt rồi mang lên phơi bên vệ đường”. Công vớt, phơi rong câu mỗi ngày chỉ khoảng 180.000-200.000 đồng. Từ đầu năm đến nay dịch bệnh Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn đến công việc, các đại lý sản xuất thu mua ít hơn khiến thu nhập của các chị cũng giảm theo. 
Chúng tôi cũng tình cờ bắt gặp một nhóm phụ nữ gồm đủ cả các lứa tuổi xách túi, xô nhựa vào VQG mưu sinh. Với nón, ủng, khăn, mũ… mọi người bắt đầu đi từ sáng sớm tinh mơ và ra về lúc mặt trời đã lặn xuống biển. Họ làm đủ mọi công việc từ cào ngao thuê, lội vào những vùng đầm bùn để mò cua, bắt ốc, bắt lươn, trạch, hay kiếm con cá, con tôm ở vùng nước lợ…
Sau một ngày vất vả, chị Minh ở xã Giao Xuân tranh thủ xuống dưới vũng nước sạch bên vệ đường gột bùn đất trên ống quần, và cho chúng tôi biết: “Tôi đi cào ngao thuê cho ông chủ đấu thầu vùng đầm bãi để nuôi ngao này. Trước thu nhập cũng tạm ổn, nhưng mùa dịch công việc bấp bênh lắm, nhiều khi cũng đói”. Được biết, một ngày công đi cào ngao thuê được chủ trả 200.000-300.000 đồng. Nếu công việc đều, số tiền trên cũng đủ với mức sống ở một miền quê ven biển. Nhưng việc làm thất thường, lại cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh khiến cuộc sống mọi người thêm khó khăn. 
Ngồi đợi nhóm người đi mưu sinh về, ngay đầu con đường là một người đàn ông trung tuổi, chính là người thu mua hải sản cho người dân. Xem từng con cua to hay nhỏ, nhìn kỹ từng con ngao, con hến trong mỗi chiếc túi, người đàn ông ra giá từng người. Cuộc mua-bán, đếm trả tiền diễn ra nhanh chóng. Chị Nguyễn Thị Hoa, ở xã Giao An, Giao Thủy cầm 500.000 đồng trên tay, tâm sự: “Dân ở các xã đi vào đây làm đông lắm, may rủi nhờ trời nên cũng có hôm được ít, hôm nhiều. Nhưng đã vào kiểu gì cũng có tiền mang về, so với trồng lúa, nuôi lợn… có vất vả hơn nhưng thu nhập cũng khá hơn. Những hôm kiếm khá, ra lại bán được ngay là thích nhất. Nhưng có hôm không bán được phải đem về ăn trừ bữa”. 

3

Xuân Thủy với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hàng năm đón số lượng lớn khách du lịch tới thăm quan. Vì thế, một số người ở các xã vùng đệm đã làm thêm nghề dịch vụ du lịch. Nghề lái thuyền, ghe chở khách du khách ra tham quan Cồn Lu, cửa biển Ba Lạt hay quanh VQG Xuân Thủy cũng khá thích hợp với nhiều chị em phụ nữ. Chúng tôi có dịp ghé vào một nhà thuyền ở gần đài ngắm cảnh và được 2 vợ chồng trẻ tiếp đón nhiệt tình. Sau khi lấy nước mời khách, chị Nguyễn Thị Kim cho biết, khoảng 5-6 năm nay Xuân Thủy được nhiều người biết đến hơn. Họ về tham quan VQG, ngủ homestay, thưởng thức hải sản… Như nhà chị Kim nhận chở khách tham quan đi thuyền ngắm cảnh từ khá lâu.
Nhưng đó là câu chuyện ở các năm trước, từ đầu năm 2020 đến nay dịch bệnh Covid-19 hoành hành, lượng du khách tới đây giảm đi đến 90%. Chị Kim cho biết thỉnh thoảng có vài ba khách nội tỉnh hoặc quanh quanh Nam Định về chơi, nhưng họ cũng chả thuê thuyền đi ngắm cảnh, chủ yếu dạo vòng trên bộ, rồi ăn bữa cơm đến chiều ra về. Cuộc sống của những người làm dịch vụ du lịch, trong đó có nghề chở thuyền thuê như chị Kim quả thực rất khó khăn. Không có việc làm, nên gần 2 năm qua vợ chồng chị phải vào thị trấn kiếm việc khác làm thêm.
Cứ thế những câu chuyện mưu sinh gian khó, buồn bã mùa dịch cứ dần dần lặn cùng ánh mặt trời xuống làn nước biển mênh mông. 

Các tin khác