Làn sóng bán tháo nhuộm đỏ Phố Wall; Dầu hạ trước bờ vực suy thoái

(ĐTTCO) - Chứng khoán Mỹ giảm mạnh vào thứ Hai (05/08), khi nhà đầu tư lo ngại về sức khoẻ nền kinh tế Mỹ dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường toàn cầu. Các hợp đồng dầu WTI tương lai giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, do lo ngại nền kinh tế có thể đang bấp bênh trên bờ vực suy thoái.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Làn sóng bán tháo nhuộm đỏ Phố Wall; Dầu hạ trước bờ vực suy thoái

Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ năm 2022

Khép phiên, chỉ số Dow Jones lao dốc 1,033.99 điểm, tương đương 2.6%, xuống 38,703.27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 3.43% còn 16,200.08 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 sụt 3% xuống 5,186.33 điểm. Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản chứng kiến phiên giảm tồi tệ nhất kể từ Thứ Hai Đen tối (Black Monday) của Phố Wall năm 1987, góp phần làm dấy lên lo ngại về tình trạng bất ổn toàn cầu trên thị trường.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ là thủ phạm chính gây ra cuộc khủng hoảng thị trường toàn cầu sau báo cáo việc làm gây thất vọng của Mỹ hôm 02/08. Nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Fed chậm trễ hạ lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế bị suy thoái, mà thay vào đó, ngân hàng trung ương đã chọn giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ vào tuần trước.

Nhà đầu tư đang tiếp tục bán tháo các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn và các giao dịch trí tuệ nhân tạo đã từng rất “hot”. Cổ phiếu công nghệ nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất vào thứ Hai.

Cụ thể, cổ phiếu Nvidia bốc hơi 6.4%, góp phần nâng tổng mức trượt dài từ mức đỉnh 52 tuần lên gần 29%. Cổ phiếu Apple rớt 4.8% sau khi Berkshire Hathaway của Warren Buffett cắt giảm 50% số cổ phiếu Apple đang nắm giữ. Cũng chìm trong sắc đỏ gồm các cổ phiếu: Tesla, giảm 4.2% và Super Micro Computer hạ 2.5%.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán Nhật Bản xác nhận thị trường giá xuống (bear market) khi các nhà đầu tư châu Á – Thái Bình Dương có cơ hội đầu tiên phản ứng với số liệu việc làm tồi tệ ở Mỹ vào hôm 02/08. Chỉ số Nikkei lao dốc 12.4%, đóng cửa ở mức 31,458.42 điểm, là phiên tồi tệ nhất đối với chỉ số này kể từ “Thứ Hai Đen tối” năm 1987 xảy ra ở Phố Wall. Mức giảm 4,451.28 điểm của chỉ số này cũng là mức giảm điểm lớn nhất trong toàn bộ lịch sử của chỉ số. Chỉ số Dow Jones đã sụt hơn 22% chỉ trong một ngày vào “Thứ Hai Đen tối”.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ suy giảm do lo ngại suy thoái kinh tế và khi nhà đầu tư đổ xô vào trái phiếu để tìm nơi trú ẩn an toàn toàn cầu. Giá trái phiếu di chuyển ngược chiều với lợi suất. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vào thứ Hai khép phiên ở mức 3.78%, đồng thời ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, khép phiên ở mức 38, sau khi tăng lên mức cao tới 65, mức cao nhất kể từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 vào năm 2020.

Chỉ có 22 cổ phiếu thuộc S&P 500 ghi nhận sắc xanh trong phiên giao dịch khắc nghiệt này đối với nhà đầu tư.

Dầu WTI giảm xuống thấp nhất trong 6 tháng

Dầu WTI hiện tăng khoảng 2% từ đầu năm đến nay, còn dầu Brent giảm nhẹ trong năm 2024, sau khi tăng trong nhiều tháng qua do rủi ro địa chính trị ở Trung Đông và dự báo thị trường dầu sẽ khan hiếm trong quý 3/2024.

Dầu WTI kết phiên dưới mức 73 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 05/02/2024.

Matt Smith, Trưởng bộ phận phân tích dầu khu vực châu Mỹ tại Kpler, cho biết: “Trong thời kỳ khủng hoảng, tất cả các tài sản đều có mối tương quan với nhau. Nhưng căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và việc cắt giảm sản lượng liên tục của OPEC đang tạo ra giá sàn cho dầu thô.”

Khép phiên giao dịch, hợp đồng dầu WTI lùi 58 xu, tương đương 0.79%, xuống 72.94 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent hạ 51 xu, tương đương 0.66%, còn 76.30 USD/thùng.

Đợt bán tháo diễn ra sau khi tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 7 gây thất vọng, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4.3%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng thu hẹp trong tháng 7, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp.

Dữ liệu kinh tế yếu kém ở Mỹ xuất hiện khi nhu cầu mờ nhạt ở Trung Quốc đã khiến nhà đầu tư lo sợ, với nhập khẩu vào Trung Quốc thấp hơn và tỷ lệ sử dụng nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc giảm.

OPEC+ cũng dự kiến sẽ bắt đầu tăng sản lượng trong tháng 10, mặc dù nhóm này đã chỉ ra vào tuần trước rằng quyết định này “có thể bị tạm dừng hoặc huỷ bỏ, tuỳ thuộc vào điều kiện thị trường hiện hành”. Các chuyên gia phân tích cho biết OPEC+ hiện khó có thể bắt đầu tăng sản lượng.

Rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu khi Israel chuẩn bị cho một cuộc tấn công từ Iran sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran vào tuần trước.

Các tin khác