Trôi qua cửa kính xe là bạt ngàn nương bắp đang trổ cờ tung phấn, mấy địu bắp to đã bằng cổ tay, nối tiếp những cánh rừng cao su, rừng tràm ôm trọn lấy núi đồi. Ô tô của chúng tôi tiếp tục chạy bon bon trên quốc lộ 9 từ Đông Hà lên Cam Lộ. Con đường này mấy mươi năm trước, thứ nhiều nhất là hố bom… to như ổ voi. Từ quốc lộ 9, chúng tôi rẽ theo con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông để vào làng An Mỹ - “thủ phủ” của nghề rà bom mìn.
Ngồi trong căn nhà tường mát rượi, bà Lê Thị Minh (65 tuổi) tâm sự: “Làng này từng có một thời nhà nào cũng làm nghề cưa bom, người người lên rừng rà những mảnh bom, vỏ đạn còn sót lại. Quê hương được giải phóng, bà con đi sơ tán trở về thì hoang tàn, đổ nát hết, đồi núi trơ trọi, chi chít bom mìn, đói ăn thiếu mặc nên chỉ còn cách đào kiếm bom mìn, lấy thuốc nổ, đồng nát để bán đổi gạo”.
Người dân thôn An Mỹ (xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ) vươn lên xây dựng nông thôn mới. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG |
Những người từng phải cậy vào cái nghề nguy hiểm như tìm “tử thần” này để nuôi sống gia đình giờ đây tóc đã đổi màu, là chứng nhân cho những thay đổi của đất, của người. Bà Hồ Thị Mai (65 tuổi) nhớ lại: “Mỗi ngày tôi kiếm được vài ba chục cân sắt, đem bán lấy tiền mua gạo. Nhờ thế mà cả nhà 5 người không phải thiếu ăn, nhưng cũng phải đánh đổi nhiều lắm. Những vết sẹo đầy trên tay, chân, nhưng bị thương như vậy vẫn còn may mắn…”.
Những người mưu sinh nhờ quá khứ kể họ sợ nhất là bom bi bởi sức sát thương của nó. Mỗi nhát cuốc xuống đất là tay chân run rẩy. “Có lần, mẹ tôi cuốc ở hố bom thì trúng phải bom bi, bom nổ khiến mẹ bị thương nặng ở đầu, khắp người chi chít vết găm”, bà Minh nhớ lại.
Trước đây, làng An Mỹ rất khó khăn, được hưởng chính sách đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ. Cả làng có gần 200 hộ với gần 800 nhân khẩu chủ yếu làm cái nghề nguy hiểm nhưng cuộc sống vẫn không thể khá giả hơn. Những lớp thanh niên kế tục đã mạnh dạn chuyển đổi nghề để đổi thay vùng đất quê hương.
Vùng đất đang từng ngày thay áo mới, không chỉ cầu đường thông suốt từ trung tâm xã đến các thôn, xóm, bản làng, mà cuộc sống của người dân dần khởi sắc. Những cánh đồng lúa, rừng cao su bạt ngàn đã lấp đầy hố bom quá khứ. Mấy năm nay, cả làng có khoảng 30 hộ làm vườn ươm, giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động. Mỗi năm cung cấp gần 3 triệu cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh.
Tỉ mẩn chăm sóc vườm ươm của gia đình, ông Nguyễn Đức Toàn (thôn An Mỹ) chia sẻ: Khởi đầu cho ước mơ an cư lạc nghiệp của bà con trong làng là chuỗi ngày quay quắt trong nắng nóng, gió Lào thổi rát rạt giữa bốn bề cằn cỗi. Bằng sự can trường chịu thương chịu khó và ham học hỏi nên người dân nơi đây dần đổi đời. Nghề ươm cây giống đem lại lợi nhuận kinh tế cao, nhiều hộ gia đình bắt đầu khá lên, nhà cửa khang trang dần lên.
“Năm 1994, bị bom nổ khi đang rà mìn khiến hỏng một mắt cùng nhiều vết thương chi chít nên tôi quyết định bỏ nghề. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, tôi chuyển sang làm vườn ươm cây giống với mong muốn trước hết là phủ xanh đồi trọc, sau làm kế sinh nhai. Nhìn chồi xanh đua mình vươn lên trên những quả đồi như thấy cả hy vọng cho thế hệ tương lai”, ông Toàn bộc bạch.
Ông Nguyễn Anh Tuân, Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, cho biết, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền địa phương và người dân, cuộc sống của người dân An Mỹ đã đổi thay, bỏ nghề rà tìm bom mìn, mạnh dạn chuyển sang làm vườn ươm cây lâm nghiệp, cây ăn quả, rừng gỗ lớn và cây dược liệu. An Mỹ từ vùng đất chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh nay thành thôn đạt chuẩn nông thôn mới với đầy đủ điện - đường - trường - trạm và đời sống kinh tế không ngừng phát triển. Không chỉ thôn An Mỹ, toàn xã cuộc sống người dân có nhiều đổi thay, thu nhập được nâng cao.