Trong xu thế đô thị hóa, các vườn trồng cây cảnh tại Gò Vấp TPHCM ngày càng bị thu hẹp. Khu vườn cây cảnh Nguyễn Hậu trước đây nay chỉ còn lô đất nhỏ cho thuê bán hoa kiểng. Vườn cây cảnh nổi tiếng một thời Tám Thọ hiện chỉ còn lại 4.000m2 trồng cây cảnh tại phường 8, quận Gò Vấp.
Anh Thái Linh, chủ vườn cây cảnh Tám Thọ, bùi ngùi: “Cha tôi, ông Tám Thọ là một trong những nghệ nhân lâu đời tại làng hoa Gò Vấp. Gia đình có đến 10 người con đều theo và giữ nghề trồng cây cảnh. Nhưng sắp tới đây, khu đất này cũng sẽ bị thu hồi, nên gia đình đang tìm cách chuyển vườn về huyện Củ Chi”.
Khi Gò Vấp mất dần đất nông nghiệp, để giữ nghề trồng hoa cảnh, nhiều nông dân phải tìm nghề khác kiếm sống. Bên cạnh đó, cũng có nhiều người năng động chuyển đổi cách làm ăn. Họ thuê mướn đất ở các vùng ngoại thành còn quỹ đất để ươm hạt, giâm cành, chăm sóc, rồi chuyển về Gò Vấp dưỡng tiếp.
Chị Nguyễn Thị Hướng, chủ cơ sở hoa kiểng Minh Đức ở phường 12, kể: “Do Gò Vấp không còn quỹ đất trồng hoa cảnh nên gia đình tôi cũng như một số nghệ nhân ở đây phải tìm về ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh… hoặc xa hơn. Có người phải lên tận Trảng Bàng, Long An… thuê đất để tiếp tục làm nghề và mang sản phẩm về lại Gò Vấp tiêu thụ. Trước đây, trồng hoa chậu bán Tết vất vả nhưng không khá được. Nay trồng cây kiểng, từ cỏ lông heo, chuối hoa, dền, dịu, cẩm tú, trúc Nhật, sen, súng, trầu bà vàng, cây sanh… đều bán được giá cao. Đến các cây cảnh như osaka, sakê, mận Thái, khế, kim vàng… giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng một chậu. Cao giá và hút hàng nhất là lộc vừng - cây phong thủy cho nên giá rất cao”.
Cũng có nhiều nghệ nhân trồng cây cảnh ở làng hoa Gò Vấp vẫn còn sống thoải mái với nghề truyền thống đã nhiều năm gắn bó bằng cách chuyển sang làm dịch vụ trang trí môi trường cây xanh cho các khu công nghiệp, nhà biệt thự, nhà vườn, quán cà phê vườn… Do nhu cầu về dịch vụ này ngày càng tăng nên nhiều hộ chuyên làm dịch vụ trồng và chăm sóc cây cảnh có thu nhập khá hấp dẫn từ 300-500 triệuđồng/năm.