Một làng nghề có sản phẩm được tiêu thụ khắp thị trường trong nước và đang chinh phục thị trường nước ngoài, nhưng ít ai biết được đa số ông chủ của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung (xã tiên phong, phổ yên, thái nguyên) thuộc lứa tuổi 8x.
Không phân chủ - thợ
Tham quan các cơ sở sản xuất của làng nghề, thật khó để phân biệt được ai là chủ, ai là người làm công. Anh Dương Văn Thu, 27 tuổi, một trong những ông chủ trẻ tuổi của làng đã không giấu giếm: “Tôi mở xưởng từ 6 năm nay với vài chục lao động.
Mỗi năm, chi trả khoảng 200 triệu đồng tiền lương cho người làm công, tôi còn lãi khoảng 100 triệu đồng”. Vừa trò chuyện, anh Thu vừa "cắt việc" cho từng người. Dáng người nhanh nhẹn của anh lúc ở bộ phận xẻ phá gỗ, bào gỗ, lúc lại giao dịch với khách hàng.
Trong khi đó, tại một góc xưởng, chị Dương Thị Lan, vợ anh Thu, đang miệt mài với chiếc máy đánh giáp. “Phụ nữ làng nghề được giao việc giáp, chà, nạo… Đó là những công đoạn hoàn thiện một sản phẩm, được coi là nhẹ nhàng nhất” - chị Thu nói.
Một ông chủ khác của làng nghề, anh Dương Văn Vinh cho biết: “Tôi mở xưởng từ 4 năm nay. Xưởng có hơn chục lao động, mỗi người làm một công đoạn, vì vậy giữa chủ xưởng và người làm công đều bình đẳng như nhau. Tôi cho họ việc làm, họ làm giàu cho tôi”. Câu nói mộc mạc nhưng mạnh bạo, rất “cơ chế thị trường” có lẽ đã ngấm vào ông chủ Vinh từ những ngày anh mang tuổi xuân đi làm thuê.
Nhờ đã kinh qua thời gian làm thuê, ông chủ Vinh rất cảm thông với những người thợ. Cũng nhờ thế, khi mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trong nhà anh, chủ - thợ luôn thoải mái, ai cũng được hưởng lợi.
Ông Nguyễn Văn Đại, thợ làm tại xưởng của anh Vinh nói vui: “Chúng tôi đi làm công ăn lương nhưng vô cùng thoải mái. Chủ - thợ cứ như anh em một nhà, chẳng bao giờ có sự phân biệt”.
Hết nghèo nhờ mỹ nghệ
Hầu hết lao động tại các xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề Giã Trung đều là người dân của xã Tiên Phong, một số đến từ các huyện Phú Bình, thị xã Sông Công (Thái Nguyên). Họ được thuê làm các công việc cắt gỗ, đục phá, tạo dáng sản phẩm, khắc, chạm, phun sơn…
Những công đoạn cần sự tinh xảo hơn như khảm trai đều phải thuê thợ từ Hà Nội, Hà Nam… với giá từ 1-2 triệu đồng/bộ sản phẩm bàn ghế hoặc tủ.
Anh Dương Văn Hằng, 30 tuổi, một trong những ông chủ mới nhất của làng nghề cho biết: “Sau 3 năm mở xưởng, hiện đã có các sản phẩm giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ xuất bán ra thị trường. Do chưa tạo được thương hiệu, nên tôi phải bán hàng thông qua cơ sở sản xuất khác, hoặc liên kết với các chủ cơ sở ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), nơi trước đây tôi đến làm thuê”.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Thiệu, chủ một cơ sở 8X đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề. |
Bên cạnh sự ngổn ngang của gỗ và các loại máy cưa, bào, tiện, có một góc gọn gàng hơn để kê các sản phẩm đã hoàn thiện.
Nếu ngắm kỹ có thể cảm nhận được sự tinh xảo từ đôi tay khéo léo của những người thợ Giã Trung. Sản phẩm chủ yếu là giường, tủ, bàn ghế, đồ thờ… giả cổ.
Riêng bàn ghế có mẫu Minh Đào, Quốc Hồng, Quốc Dưa, Guột Hồng Công, Guột Đào, Minh Triệu… với các loại hoa văn tinh xảo biểu hiện 4 mùa như tùng, cúc, trúc, mai, trong khi đồ thờ được chạm khắc long, lân, quy, phượng…
Điều khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên đó là một bộ bàn ghế, một xập thờ giả cổ rất hoành tráng, nhưng chỉ có giá bán từ 6-8 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Thiệu phân bua: “Giá như vậy là hợp lý, vì đó là những sản phẩm làm bằng gỗ keo, được nhập về từ huyện Định Hóa, Phú Lương (Thái Nguyên)… Riêng khách hàng đến đặt mua sản phẩm, nguyên liệu được làm bằng gỗ quý như gụ, trắc… giá từ 20-25 triệu đồng, chúng tôi phải về Đông Anh (Hà Nội) chọn mua gỗ”.
Nghề gỗ mỹ nghệ đã làm thay đổi cuộc sống của người dân thôn Giã Trung. Anh Nguyễn Văn Thiệu, chủ một cơ sở sản xuất đỗ gỗ mỹ nghệ, đồng thời là người được các chủ cơ sở giao cho phụ trách làng nghề của thôn cho biết: “Năm 2006, trong thôn có 7 người đứng ra làm chủ 7 cơ sở sản xuất; đến nay, toàn thôn đã phát triển được hơn 100 xưởng, tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Nhiều cơ sở sản xuất đã làm các thủ tục mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Nhờ có nghề, trai tráng trong thôn không phải đi làm thuê, 100% số hộ trong thôn đã xây được nhà; không ít nhà sang, nhà đẹp mọc lên. Giã Trung giờ đây đã hết nghèo”.