Quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu
Là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Nam đã được nhiều tổ chức thế giới đánh giá là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có giá trị cao về đa dạng sinh học, môi trường và kinh tế.
Hằng năm, rừng của Quảng Nam cung cấp khoảng 1,5 triệu m³ gỗ cho tiêu dùng trong nước và chế biến phục vụ xuất khẩu. Trong đó, mây được xác định là cây cho giá trị kinh tế cao với 20 loài, cho sản lượng lớn và có giá trị như: Mây nước, mây đắng, mây nếp, mây tắt, mây rút… góp phần đưa chế biến lâm sản và xuất khẩu đạt khoảng 1.433 tỷ đồng, chiếm 10,46% tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh; góp phần tạo ra nhiều việc làm cho người dân, đẩy nhanh xóa đói nghèo khu vực miền núi.
Mặc dù tiềm năng về nguyên liệu mây cũng như cây rừng lấy gỗ khác tại Quảng Nam rất lớn, nhưng việc phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương đang gặp không ít những rào cản, khó khăn do thiếu kế hoạch trong phát triển và quản lý, thiếu kiến thức và kỹ thuật trong khai thác, chế biến dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững. Thời điểm hiện tại, song, mây, tre… của Quảng Nam chỉ được bán ở dạng nguyên liệu thô nên giá trị thấp.
Tương tự, tình trạng này cũng xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất liên kết chuỗi tại địa phương này cũng đang trở thành bài toán khó. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2022, tỉnh Hòa Bình hiện có 17.704,88 ha trồng luồng, trong đó phần lớn là diện tích rừng trồng, phân bổ chủ yếu ở huyện Đà Bắc (7.283,84 ha) và Mai Châu (5.235,81 ha).
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số diện tích nêu trên được trồng từ những năm 1980 và đã khai thác nhiều năm, nhưng việc trồng và chăm sóc chưa chú trọng đến các biện pháp thâm canh, dẫn đến sự suy giảm về sản lượng, chất lượng (đường kính cây và tỷ lệ măng giảm 20%). Do đó, luồng của Hòa Bình không đáp ứng được tiêu chuẩn cho sản xuất công nghiệp (luồng phải có đường kính ít nhất 8 cm, dài 8 m, 3 tuổi trở lên), dẫn đến giá bán luồng thấp hơn của tỉnh Thanh Hóa từ từ 8 đến 10% và khiến cho việc khai thác và bán nguyên liệu ra thị trường hạn chế.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết, hiện tại cả nước chưa có một quy hoạch cụ thể nào về vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất bền vững cho ngành thủ công mặc dù bước đầu đã hình thành tự phát các vùng nguyên liệu, thí dụ vùng nguyên liệu tre ở Thanh Hóa, Nghệ An; vùng nguyên liệu cói ở Thanh Hóa, Trà Vinh…; vùng nguyên liệu mây ở Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Nhiều doanh nghiệp mong muốn tổ chức phát triển vùng nguyên liệu, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều khó khăn liên quan việc tìm kiếm nguồn đất để ổn định sản xuất lâu dài hoặc khó khăn về việc tìm ra những mối quan hệ hợp tác phù hợp các công ty lâm nghiệp hoặc các hộ gia đình là chủ sở hữu của đất lâm nghiệp. Việc nhập khẩu nguyên liệu mây tre lá sẽ ngày một khó khăn hơn do chính sách thắt chặt xuất khẩu nguyên liệu thô của các nước. Do đó, cần có giải pháp quy hoạch cụ thể cho vùng nguyên liệu mây tre lá trong nước.
Nghề đậu bạc. Ảnh: Minh Duy |
Đẩy mạnh liên kết chuỗi
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, cả nước hiện có khoảng 600 làng nghề đan lát sử dụng nguyên liệu chủ yếu là tre, song, mây, cói... trong bối cảnh có khoảng 1,5 triệu héc-ta họ tre với khoảng 9,5 tỷ cây. Bình quân mỗi năm, cả nước khai thác 500 đến 600 triệu cây trong khi nhu cầu tiêu thụ hơn 900 triệu cây. Do đó, nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng mây, tre đan phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Vùng nguyên liệu song, mây có diện tích xen lẫn gỗ là khoảng 382.000 ha, sản lượng khoảng 30 đến 40 nghìn tấn/năm, trong khi nhu cầu sử dụng khoảng 80 nghìn tấn. Ngoài ra, cả nước cũng có khoảng 118 làng nghề, 5.580 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản. Sản lượng gỗ khai thác trong nước mới chỉ đạt 18,6 triệu m³. Hằng năm, các làng nghề vẫn phải nhập khẩu khoảng 5 đến 6 triệu m³ gỗ tròn từ Lào, Nam Phi, Nga…
Số liệu nêu trên không chỉ cho thấy nhu cầu sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước hiện rất lớn mà còn đặt ra bài toán cạnh tranh về chất lượng, giá cả... của nguyên liệu trong nước với nguyên liệu nhập khẩu cho các địa phương hiện nay.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, các huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang và Phước Sơn đang đẩy mạnh khai thác mây. Ước tính có khoảng 800 người khai thác mây, 1.500 người tham gia vào quá trình sản xuất mây ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc và Điện Bàn... để cung cấp nguyên liệu thô ra thị trường. Hiện Quảng Nam cũng có tám hợp tác xã và 12 công ty hoạt động trong chuỗi mây tre lá, trong đó có 13 đơn vị và hợp tác xã sản xuất hàng thủ công, bảy công ty chuyên chế biến nguyên liệu. Tuy nhiên, chiến lược tiếp thị sản phẩm và kết nối thị trường chưa được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả.
Để tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu cho các làng nghề, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng, nhằm bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với việc phát triển sinh kế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Từ Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/10/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã lập Đề án quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu xây dựng Quảng Nam là vùng nguyên liệu mây và chế biến mây bền vững cấp quốc gia.
Đến năm 2030 với vùng nguyên liệu mây vào khoảng 463.357 ha, đi theo đó là việc hình thành các cơ sở chế biến mây và các làng nghề sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ mây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường thế giới.
Nhận thấy địa phương còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng chưa được quan tâm đúng mức, tỉnh Hòa Bình cũng đang nỗ lực xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp... Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ, việc xây dựng các mô hình quản lý và sản xuất, khai thác tre, luồng theo hướng bền vững đang được tỉnh quán triệt triển khai; trong đó, nghiên cứu phát triển giống tre, luồng mới để có cây giống phát triển vùng nguyên liệu lớn được coi trọng.
Tỉnh cũng xác định xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh tre, luồng năng suất cao và tổ chức chuyển giao cho người dân; đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đường lâm sinh, đường vận chuyển nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tre, luồng trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao chất lượng nguyên liệu, quy hoạch vùng trồng, tạo mối liên kết chuỗi trong sản xuất đang trở thành hướng đi mới tại các địa phương. Đặc biệt là liên kết chuỗi giữa các làng nghề trong cả nước nhằm tạo đầu ra tốt cho vùng nguyên liệu cũng đang được hình thành. Đây là những bước đi cụ thể, cần thiết để tiếp tục khẳng định, làng nghề là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông thôn.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, sản xuất hàng thủ công ở Việt Nam chủ yếu dựa trên một hệ thống gồm 1.926 làng nghề trên toàn quốc với sự tham gia của 813.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các làng nghề đã tạo việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn. Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2022 tăng trung bình 9,5%/năm.