Làng nói tiếng Việt ở Sri Lanka

(ĐTTCO) - “Chào buổi sáng em!”, “ Em chào chị. Em tên là Lâm Thắng”, “Em chào chị. Em tên là Lâm Mạnh”. Những câu nói quá đỗi bình thường nhưng đã làm tôi vô cùng bất ngờ khi vừa đặt chân đến ngôi chùa Trúc Lâm ở Kandy, Sri Lanka - một đất nước được xem là vùng Đất Phật. 

Chùa Trúc Lâm tại Sri Lanka.
Chùa Trúc Lâm tại Sri Lanka.

Lớp học tiếng Việt ở vùng đất Phật

Từ trung tâm thành phố Kandy đến làng Ambakote nơi chùa Trúc Lâm tọa lạc tầm 20km. Phương tiện đi lại ở Sri Lanka rất thuận tiện và khá rẻ từ xe buýt, xe lửa cho đến xe máy rồi tuk tuk. Chùa không nằm trên đường chính mà phải rẽ vào con đường mòn quanh co, khiến anh xe ôm chở tôi phải hỏi thăm dân làng. “Chùa Việt Nam à?”, dân trong làng gọi chùa Trúc Lâm khi chỉ đường.

Chùa Trúc Lâm ẩn mình sau cánh cổng gỗ và những hàng trúc dịu dàng xanh mướt trong khu vườn rộng lớn được chăm sóc rất chỉn chu. Ngôi chùa nhỏ thật thanh tịnh, trang nghiêm và rất Việt Nam, mang đến cho tôi từ thú vị này đến thú vị khác.

Sau khi 2 chú nhóc giúp việc người địa phương đón tôi ở tam cấp lễ phép chào bằng tiếng Việt, thầy Thích Pháp Quang, trụ trì chùa, cho hay sự xuất hiện của tôi cũng là điều bất ngờ với mọi người. Thiền viện Trúc Lâm này thỉnh thoảng mới có người Việt Nam đến và thường là các đoàn sư thầy.

“Gặp người Việt đã mừng, chị một mình mà có tâm đến thăm chùa như vầy, thầy trân quý lắm. Chị cứ xem đây là nhà mình, ở bao lâu cũng được” - vị trụ trì nở nụ cười thật hiền và giọng nói thật nhẹ nhàng khoan thai, nói.

sililanka2-4956.jpg
Lớp dạy học tiếng Việt cho dân làng.
sililanka3-1803.jpg
Thầy Thích Pháp Quang.

Rồi bữa ăn thật ngon hương vị Việt Nam với đĩa rau lang luộc cùng chén chao được các vị sư dọn ra đãi khách. Sự ân cần của vị trụ trì cùng các nhà sư làm kẻ phương xa thấy lòng ấm áp như được trở về mái nhà bình yên. Tôi về lại Kandy thu dọn hành lý, hôm sau trở lại chùa và tiếp tục đón nhận những bất ngờ đầy cảm động ở nơi đây.

Đầu tiên là lớp học tiếng Việt với các học viên ở mọi độ tuổi, từ trẻ em cho đến những người lưng sắp còng tóc sắp bạc. Bất kể khoảng cách tuổi tác, mọi người quây quần bên nhau, chụm đầu học viết chữ hết sức chăm chỉ say mê ngôn ngữ một đất nước xa lạ: Việt Nam.

Thấy tôi từ Việt Nam sang, mọi người vui lắm, chào hỏi bắt chuyện làm quen và chuyện trò bằng tiếng Việt. Những cái tên Việt Nam được giới thiệu: Trúc My, Trúc Hiền, Trúc Ân, Trúc Khanh, Trúc Vy rồi Lâm Mạnh, Lâm Thắng, Lâm Sang… Mọi người cho biết tên của mình được Sư phụ (thầy trụ trì Pháp Quang) đặt. Sư phụ cũng là giáo viên dạy tiếng Việt cho họ.

Cầm quyển vở chi chít những câu tiếng Việt, cô Trúc Liễu cho hay cô năm nay 60 tuổi, học tiếng Việt tại chùa Trúc Lâm hơn 1 năm qua. “Nghe và nói vẫn còn khó lắm nhưng tôi đọc viết được nhiều rồi” - cô kể. Khó là thế nhưng cả lớp thuộc làu và hát rất rõ lời nhiều bài hát Việt Nam.

Lớp học tiếng Việt rất chăm chỉ không hôm nào nghỉ dù mấy hôm tôi ở đây, đêm nào trời cũng mưa, có khi còn cúp điện. Sau mỗi buổi học, các học sinh cúi lạy các sư thầy: “Con xin phép thầy con về” vô cùng thành kính.

Chẳng những thích học tiếng Việt, dân làng còn dành cho Việt Nam rất nhiều sự yêu mến. “Muốn đến thăm Việt Nam, Việt Nam đẹp lắm” - là câu trả lời của dân làng khi tôi hỏi vì sao mọi người thích học tiếng Việt. Thật tự hào làm sao. Không phải ảnh hưởng bởi sách báo hay phim ảnh, sự yêu mến một đất nước xa lạ được bắt nguồn từ vị thầy trụ trì chùa Trúc Lâm.

Sứ giả lan tỏa tình yêu đất nước Việt

Mười năm trước, thầy Thích Pháp Quang khi ấy chỉ hơn 30 tuổi, rời Việt Nam sang Sri Lanka du học tại Học viện Phật giáo quốc tế Siba tại Kandy. Không có tiền thuê ký túc xá, thầy được sư trụ trì ILwane Ananda của ngôi chùa Siri Sugatha Thapowanaya ở làng Ambakote cho phép tá túc những năm đi học.

Hoàn thành chương trình học ở Siba rồi chương trình thạc sĩ ở Đại học Keleniya, thầy Pháp Quang lại có cơ duyên tiếp tục gắn bó với đất nước này, khi được vị trụ trì chùa nơi mình trọ học tặng mảnh đất 2.000m2 vốn là khoảnh vườn ở chùa.

Mong mỏi có nơi tu tập cũng là nơi dành cho những đoàn Việt Nam sang Sri Lanka hành hương, thầy Pháp Quang tâm nguyện tạo dựng một ngôi chùa mang dấu ấn Việt Nam cho người xa xứ đỡ nhớ quê. Thiền viện Trúc Lâm khởi công vào năm 2020 nhờ sự ủng hộ của bà con trong và ngoài nước. Một năm sau, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Sri Lanka cơ bản hoàn thành.

Sự hiền hòa tử tế và lòng thuần thành của dân làng Ambakote càng khiến thầy Pháp Quang thêm gắn bó với nơi này. “Không có sự giúp đỡ của dân làng, thiền viện không có được như ngày hôm nay” - thầy kể với tôi bằng tất cả sự trân quý.

Về cơ duyên dạy tiếng Việt cho dân làng, thầy cho biết sự việc đến rất tự nhiên. Trẻ em trong làng rất hay đến chùa chơi, ban đầu thầy dạy chúng những câu giao tiếp cơ bản như chào hỏi, cảm ơn. Rồi người lớn bắt đầu theo con em mình đến chùa và thích thú với việc học tiếng Việt. “Mọi người thích có tên Việt Nam nên nhờ thầy đặt. Tách từ tên chùa Trúc Lâm, thầy lấy chữ Trúc đệm cho tên của nữ, Lâm đệm cho tên của nam” - thầy nói về sự ra đời của những cái tên Việt Nam ở đây.

Lớp học tiếng Việt tại chùa Trúc Lâm dần hình thành. Lớp học không bàn ghế, không bục giảng, không học phí. Không có sách giáo khoa, thầy Pháp Quang tự soạn giáo trình, học đều đặn từ 18 giờ 30 đến 20 giờ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Bên cạnh việc dạy chữ, thầy còn dạy dân làng các bài hát Việt Nam và giới thiệu truyền thống văn hóa đất nước mình qua các điệu múa, trang phục áo dài, nón lá, món ăn.

Thầy còn cấp học bổng cho học sinh nghèo, giúp đỡ dân làng làm giếng, sửa nhà hay cho lương thực. Hôm đi cùng thầy Pháp Quang và các nhà sư Việt Nam ở chùa đến Trường Vive Kandanda tại thành phố Kandy để dạy thiền cho 400 học sinh từ lời mời của thầy hiệu trưởng, tôi càng cảm nhận rõ rệt sự trân trọng người dân xứ Phật dành cho vị sư thầy người Việt, cũng như sự thiện cảm đặc biệt dành cho đất nước Việt Nam.

Hỏi thầy bí quyết nào khiến mọi người yêu mến chùa Trúc Lâm và đất nước Việt Nam đến vậy, thầy bảo thầy chỉ có lòng chân thành. Trong những buổi trò chuyện, thầy luôn khiêm nhường khi nói về mình nhưng dành sự quan tâm vô bờ cho những cảnh đời khó khăn ở làng.

Thầy kể cho tôi nghe về 2 chị em mồ côi, về cậu nhóc nghịch ngợm khiến gia đình lo buồn nay đã ngoan ngoãn nhờ hay đến chùa, về hoàn cảnh 2 cô cháu không nơi nương tựa… “Để người khác yêu mến đất nước mình, mình phải yêu quê hương Tổ quốc của mình trước đã” - thầy chia sẻ.

Trên chánh điện trang nghiêm, cạnh bên tượng Phật tôn kính, là 2 câu thơ nói thay tấm lòng người xa xứ “Trúc Lâm cõi tạm vẫn nồng nàn sắc xuân miền viễn xứ/ Việt Quốc muôn đời mãi thương hoài lữ khách nhớ quê hương”.

Các tin khác