Báo cáo mới nhất của Viện Cơ khí (IME), tổ chức phi chính phủ về lĩnh vực năng lượng và môi trường có trụ sở tại Anh, cho thấy khoảng 180 triệu tấn gạo, chiếm 80% sản lượng gạo của các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á, bị lãng phí hàng năm. Trước đó, Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cũng cho biết hàng năm khoảng 30% lượng thực phẩm toàn cầu, tương đương 1,3 tỷ tấn, đã bị ném vào thùng rác.
Sự hoang phí đáng trách
Theo báo cáo của IME và FAO, mỗi năm các nước giàu, đặc biệt Hoa Kỳ và châu Âu, bỏ phí 670 triệu tấn thực phẩm. Các nước đang phát triển góp 630 triệu tấn. Các chuyên gia FAO cho biết ở các nước giàu, nguyên nhân do người tiêu dùng vứt bỏ thực phẩm. Trung bình mỗi người tiêu dùng châu Âu hoặc Bắc Mỹ phí phạm 95-115kg thực phẩm/năm. Ngược lại, trung bình mỗi người tiêu dùng ở châu Phi, Nam Á hoặc Đông Nam Á chỉ bỏ phí 6-11kg thực phẩm.
Nghiên cứu cho thấy ở các nước nghèo, có mức thu nhập thấp, người tiêu dùng thường mua một lượng thức ăn nhỏ mỗi lần. Người tiêu dùng nước giàu thường có xu hướng mua nhiều nên lãng phí lớn. Các siêu thị, nhà nhập khẩu ở châu Âu, Hoa Kỳ đề ra nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe đối với thời hạn sử dụng thực phẩm.
Lượng thực phẩm do người tiêu dùng ở các nước giàu bỏ phí lên đến 222 triệu tấn/năm, tương đương toàn bộ lượng thực phẩm của khu vực tiểu vùng Sahara ở châu Phi (230 triệu tấn). Ngoài ra tại các nước giàu, hiện tượng lãng phí cũng xảy ra do cung vượt quá cầu. Nông dân các nước công nghiệp thường sản xuất nhiều hơn lượng hàng bán ra để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung do thời tiết xấu, sâu bọ...
Trong khi đó tại các nước đang phát triển, sự lãng phí thực phẩm chủ yếu xuất phát từ tình trạng hạ tầng yếu kém. Các cơ sở chế biến và đóng gói thực phẩm, các kho chứa... không đủ năng lực bảo quản hàng hóa tươi ngon lâu. Một phần lớn lượng thực phẩm bị loại bỏ trên đường từ cánh đồng đến siêu thị.
Thí dụ ở Đông Nam Á, thất thoát lúa gạo dao động 37-80% tổng sản lượng lúa gạo quốc gia. Ở các nước nghèo, nông dân cũng thường lãng phí thực phẩm do thu hoạch vụ mùa quá sớm. Lãng phí thực phẩm dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ở các nước nghèo: nông dân mất thu nhập, giá thực phẩm ngày càng tăng cao.
Lãng phí tài nguyên nước
Báo cáo của IME cho biết sự lãng phí không chỉ dừng ở lượng thực phẩm vứt bỏ, mà có thể nhìn thấy ở mọi lĩnh vực trong dây chuyền sản xuất thực phẩm, trong sử dụng đất, nước và năng lượng. Chẳng hạn, 550 tỷ m3 nước đã bị lãng phí để trồng trọt và tạo ra lượng thực phẩm không bao giờ đến được trên bàn ăn.
Đây không chỉ là thiệt hại về nguồn lương thực mà còn là sự lãng phí về tài nguyên đất đai, năng lượng và nước, trong bối cảnh an ninh lương thực vẫn chưa được đảm bảo tại nhiều nước thuộc khu vực này.
“Nguyên nhân bắt nguồn từ các tập quán nông nghiệp, kỹ thuật, phương thức vận chuyển và dự trữ chưa phù hợp. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng khuyến khích khách hàng mua nhiều thông qua các chương trình khuyến mại” - ông Tim Fox, người đứng đầu lĩnh vực năng lượng và môi trường thuộc IME, cho hay.
![]() |
Hàng trăm triệu người trên thế giới hiện đang phải sống trong cảnh thiếu đói. |
Hiện nay, tổng dân số trên thế giới đang sử dụng khoảng 3.800 tỷ m3 nước/năm và khoảng 70% lượng nước này được dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 550 tỷ m3 nước bị lãng phí do được dùng để trồng trọt, song không mang sản phẩm đến tay người tiêu thụ.
Nước đang trở thành vấn đề sống còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia Trung Đông và châu Phi đã có chiến lược an ninh nguồn nước nhằm phát triển bền vững các cây lương thực, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong số này có Arab Saudi, Kuwait, Qatar…
An ninh nguồn nước cũng giúp tránh xảy ra xung đột trong tương lai. Sự lãng phí này cùng với mức dân số tăng lên, nhu cầu nước sử dụng cho sản xuất lương thực dự báo tăng lên 10.000-13.000 tỷ m3/năm vào năm 2050, gấp 3 lần so với nhu cầu hiện tại.