Lãng phí nguồn nhân lực (K1): Nghịch lý cung - cầu

Một chiến lược phát triển nguồn nhân lực dù ở cấp nào, ở mức độ một DN hay tầm quốc gia cũng đòi hỏi có sự gắn kết và cân bằng giữa 2 khâu đào tạo và sử dụng. Đầu ra (sử dụng) nếu hấp thụ tốt sẽ quyết định hiệu suất và thúc đẩy quá trình đầu vào (đào tạo). Một trong hai khâu này bất ổn sẽ dẫn đến lãng phí.

Một chiến lược phát triển nguồn nhân lực dù ở cấp nào, ở mức độ một DN hay tầm quốc gia cũng đòi hỏi có sự gắn kết và cân bằng giữa 2 khâu đào tạo và sử dụng. Đầu ra (sử dụng) nếu hấp thụ tốt sẽ quyết định hiệu suất và thúc đẩy quá trình đầu vào (đào tạo). Một trong hai khâu này bất ổn sẽ dẫn đến lãng phí.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực TPHCM giai đoạn 2011-2020, TP thực hiện nhiều biện pháp để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đến nay dù là trung tâm đào tạo nhân lực lớn của cả nước, các DN tại TPHCM vẫn luôn than phiền thực trạng thừa và thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Vừa thừa, vừa thiếu

Mỗi năm TPHCM có khoảng 55.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường, nếu kể cả số học viên trung cấp, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề ngắn hạn có khoảng 180.000 người. Tuy số lượng nhân lực được đào tạo chiếm tỷ lệ cao, nhưng sinh viên sau khi ra trường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm việc. Trong đó rất nhiều sinh viên không được tư vấn chọn ngành học phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, chia sẻ: “Từ đầu năm tới nay nhiều DN vất vả trong tuyển nhân sự lĩnh vực kỹ thuật, trong khi nhu cầu tìm việc ở một số ngành kinh tế rất cao. Sự nghịch lý mất cân đối về cơ cấu đào tạo, chất lượng giáo dục, kỹ năng nghề; tiền lương - thu nhập thực tế của cung - cầu thị trường lao động, đã làm thị trường lao động thiếu ổn định, thiếu hụt nhu cầu chỗ làm việc và nhu cầu tìm việc. Các DN và người lao động chưa có sự tương thích, nhất là lực lượng lao động phổ thông và lao động trình độ chuyên môn”.

Một sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Ngân hàng tâm sự: Gia đình rất vất vả bươn chải để em vào học trường đại học chính quy, nở mặt với họ hàng, bạn bè. Hơn 4 năm theo học khoa ngân hàng ra trường gặp ngay thời khủng hoảng kinh tế, xin vào ngân hàng làm việc qua nhiều khâu tuyển dụng, phỏng vấn em đã được tuyển nhưng phải làm... tiếp thị phát tờ rơi cho tiểu thương vay vốn ở các chợ.

Theo lãnh đạo một DN sản xuất nhựa ở TPHCM, nghịch lý hiện nay là trong khi tỷ lệ người thất nghiệp, thừa lao động hiện nay cao thì DN lại thiếu nhân lực vì không tìm được người phù hợp. Có thời điểm, công ty cần tuyển một nhân viên kỹ thuật trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, nhưng khi đăng thông tin tuyển dụng rất nhiều hồ sơ tốt nghiệp đại học nộp vào, chấp nhận hưởng mức lương trung cấp, hoặc cao đẳng.

Bản thân DN khi tuyển dụng lao động, muốn họ làm được việc phải bỏ thời gian và chi phí bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện để người lao động dần thích nghi với công việc. Thế nhưng, điều khiến DN lo lắng là người lao động có một tâm lý mượn công ty mình làm chỗ trú chân tạm thời, khi hội đủ thời cơ là “nhảy việc” ngay. Tức vừa làm việc này, nhưng không tập trung làm tốt công việc mà trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ sẽ đi tìm một công việc khác, công ty khác tốt hơn, thu nhập cao hơn. Thực trạng này đang gây ra sự lãng phí rất lớn cho người lao động và DN.

Bà Trần Thị Tường Vân, Giám đốc Công ty AMCO Việt Nam, cho biết rất ít người học đúng ngành khi vào làm việc tại công ty và có đam mê tìm tòi hay trăn trở về công việc. Thậm chí, dù biết công ty cần nhiều kỹ năng về IT hay tiếng Anh, nhưng đa số nhân viên khi được tuyển dụng xong không hề phấn đấu, trau dồi để cải thiện những kỹ năng này. Nhân sự khi đi làm thường có tâm lý an bài và chỉ cố gắng hoàn thành công việc nếu điều đó đe dọa đến việc tuyển dụng, chứ không phải vì yêu việc, hiểu việc.

50% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề

Một khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM về nhu cầu tìm việc làm của  trên 10.000 sinh viên từ năm 2009-2012, cho thấy 80% sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, 20% không tìm được việc làm phải chuyển đổi ngành học hoặc làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo. Trong tổng số sinh viên tìm được việc làm chỉ có 50% có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% vẫn phải làm việc trái ngành nghề, thu nhập thấp; việc làm chưa thật sự ổn định và có thể phải chuyển việc làm khác.

Sinh viên ra trường làm trái ngành có nhiều nguyên nhân, cơ bản xuất phát từ chính phương thức chọn ngành nghề của người học. Việc bằng mọi giá để được thi đậu vào một trường đại học mà không cần biết ngành học là gì, đã dẫn đến thực trạng sinh viên học chủ yếu để lấy bằng. Tâm lý học không xác định nghề nghiệp tương lai đang diễn ra rất phổ biến hiện nay, cần phải khắc phục ngay từ cấp phổ thông.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo ở giảng đường đại học với phần lớn là lý thuyết, không thể giúp sinh viên nắm bắt được công việc ngay sau khi ra trường. Môi trường giáo dục đại học chưa xem người học là trung tâm của khâu đào tạo, học viên vẫn lệ thuộc phần lớn vào giảng viên. Giáo trình lạc hậu, thiếu cập nhật, cộng thêm tính thụ động của người học đã gây nên chất lượng đào tạo kém. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến sinh viên ra trường không đủ kiến thức chuyên môn của chính ngành nghề theo học.

Đa phần sinh viên ra trường phải làm trái nghề.

Đa phần sinh viên ra trường phải làm trái nghề.

Theo TS. Lê Bá Chí Nhân, việc các trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm trong những năm gần đây cũng là nguyên nhân làm chênh nhu cầu nguồn nhân lực. Hầu như các trường đại học đều mở khoa tài chính - ngân hàng. Bởi ngành nghề này vẫn được cho là “hot” mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực lại rất hạn chế. Thế là cung vượt cầu, sinh viên ra trường buộc phải làm trái ngành.

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Tường Vân cũng cho rằng những năm gần đây sinh viên đổ xô học ngành tài chính - ngân hàng do dư âm của thời kỳ “hái ra tiền nhẹ nhàng” từ chứng khoán trước năm 2008, mà quên tìm hiểu về hệ thống ngân hàng ra sao. Từ bây giờ, dù các ngân hàng có phát triển, nhưng đòi hỏi nhân sự phải chuyên sâu, đặc biệt đối với lĩnh vực ngân hàng điện tử, các dịch vụ ATM, online...

Ngành tiếng Anh cũng có thời gian rất “hot”, nhưng nếu chỉ đào tạo để ra trường sử dụng tiếng Anh, biên phiên dịch không cần nhiều như vậy, vì tiếng Anh sẽ được dùng như công cụ để làm việc chứ không nên dùng thành “nghề” nhiều như vậy. Không phủ nhận nhiều người ban đầu chỉ nhờ biết tiếng Anh mà trở thành doanh nhân giàu có, nhưng sẽ hay hơn nếu họ có chuyên môn nhất định, cộng với vốn ngoại ngữ tốt, con đường họ đi có lẽ nhanh hơn và đỡ chông gai hơn.

(Còn tiếp)

Các tin khác