Dự án cầu 110 ở vị trí Km1667+950, đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thôn 1, xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài hơn 110m, mục tiêu nhằm kết nối giao thông 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai. Dự án có tổng mức đầu tư 24 tỷ đồng, do Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Công trình được triển khai từ tháng 6-2017, dự kiến hoàn thành từ cuối năm 2018.
Thế nhưng, đến cuối năm 2018 dự án triển khai xong phần cầu (88% khối lượng), còn phần đường dẫn thì gặp vướng mắc do hàng chục hộ dân tại xã Ea H’leo không chịu bàn giao mặt bằng vì cho rằng mức bồi thường không thỏa đáng.
Do không giải phóng mặt bằng (GPMB) được nên công trình phải tạm dừng. Tuy nhiên, do nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2016-2018 cho dự án đường Hồ Chí Minh không được kéo dài sang năm 2019 nên đã bị thu hồi về ngân sách Nhà nước.
Từ đó đến nay đã gần 4 năm, cầu 110 nằm phơi nắng mưa, không sử dụng được vì không có đường dẫn. Theo nghi nhận thực tế của chúng tôi, cầu 110 cơ bản đã hoàn thiện phần cầu. Đầu cầu phía tỉnh Gia Lai đã GPMB và đường dẫn vào cầu cơ bản đã hoàn thiện.
Tuy nhiên phía đầu cầu tỉnh Đắk Lắk hiện còn hàng chục nhà dân chưa giải tỏa, di dời. Hiện nay, phần mặt cầu được người dân tận dụng để phơi nông sản. Trong khi đó, cây cầu cũ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Cầu 110 kết nối 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai bị bỏ hoang nhiều năm nay vì chưa có đường dẫn
Trao đổi về bất cập tại dự án cầu 110, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết, phía tỉnh Gia Lai áp dụng giá đền bù khác, cao hơn so với giá của tỉnh Đắk Lắk nên người dân so sánh, cho rằng giá đền bù thấp hơn nên không đồng ý bàn giao mặt bằng cho thi công. Dự án gặp vướng mắc khâu GPMB dẫn đến chậm tiến độ và nguồn vốn đã bị thu hồi nên không thể tiếp tục triển khai.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cầu 110 là dự án thuộc Bộ GTVT đầu tư nên tỉnh Đắk Lắk không thể trích ngân sách tỉnh ra để thực hiện. UBND tỉnh đã kiến nghị bổ sung nguồn vốn cho cầu 110 khoảng 3,4 tỷ đồng (trong đó, khoảng 1,1 tỷ đồng cho công tác GPMB và số còn lại là chi phí xây lắp) và mong Bộ GTVT sớm có chủ trương để phê duyệt, tiến hành thi công cầu cho hoàn thiện.
Không riêng cầu 110 bị bỏ hoang, năm 1998, UBND tỉnh Đắk Lắk cho xây dựng dự án cầu Quảng Phú mục đích kết nối giao thông 2 huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Krông Nô (nay thuộc tỉnh Đắk Nông). Dự án do Sở GTVT Đắk Lắk làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thi công, công trình phải dừng 3 lần do liên quan đến các dự án thủy điện. Năm 2004, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định dừng triển khai thi công cầu Quảng Phú.
Lý do dừng thi công dự án là: “Trong dự án thủy điện Tua Srah có đầu tư xây dựng 1 công trình cầu vĩnh cửu qua sông Krông Nô, gần cầu Quảng Phú. Xét thấy không cần thiết có 2 cây cầu vượt sông Krông Nô ở gần nhau, UBND tỉnh đồng ý cho dừng thi công cầu Quảng Phú...”, Công văn số 455/CV-UB của UBND tỉnh Đắk Lắk nêu. Thời điểm này, công trình đã xây dựng được 2 mố cầu, 4 trụ cầu, 4 dầm nhịp 18m… Tổng giá trị hoàn thành và được phê duyệt quyết toán khoảng 6,4 tỷ đồng.
Được đầu tư với số tiền lớn nhưng cây cầu thi công dở dang rồi bỏ hoang hơn 20 năm nay, mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương bố trí kinh phí 3 tỷ đồng để tổ chức phá dỡ 2 mố cầu, 4 trụ cầu, vận chuyển 4 dầm bê tông cốt thép nhịp 18m.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, cây cầu đã “treo" hơn 20 năm, không còn phù hợp với hiện trạng lòng sông, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của 2 tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nên phải phá dỡ. Tuy nhiên, việc tháo dỡ cầu khiến nhiều người dân tỉnh Đắk Nông phản đối.
Theo một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Đắk Nông, đơn vị đã làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để tìm hướng giải quyết đối với cầu Quảng Phú. Qua đó, các bên đã thống nhất đề xuất với tỉnh Đắk Lắk tạm thời chưa phá bỏ cầu Quảng Phú. Chính quyền các cấp tiếp tục theo dõi nhu cầu của người dân. Sau năm 2025, nếu người dân có nhu cầu cao, đồng thời bố trí được nguồn vốn thì tỉnh Đắk Nông sẽ cải tạo lại cầu Quảng Phú cũ hoặc xây dựng cầu mới.