Tỉnh Lạng Sơn đã tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ, nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ phương tiện và hàng hóa. Hiện, tại khu vực các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn còn hơn 2.000 xe hàng tồn đọng và ước tính, phải mất từ 10-15 ngày lực lượng chức năng mới giải phóng hết số hàng này.
Từ 0h00 ngày 16/2, lực lượng chức năng tại các cửa ngõ ra vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chốt chặn, ngừng xe container chở hoa quả tươi vào địa bàn tỉnh. Do đã được thông báo từ trước nên hầu hết DN đã tạm ngừng đưa hàng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số lái xe không nắm được thông tin nên rơi vào tình thế “tiến thoái, lưỡng nan” và chuyển hướng đưa hàng xuất khẩu sang các cửa khẩu tại Quảng Ninh, Cao Bằng; một vài lái xe chọn phương án vào thành phố Lạng Sơn để chờ đến ngày được thông quan, dự kiến là ngày 25/2. Tất cả những trường hợp này đều được yêu cầu kí cam kết chấp hành không đưa phương tiện lên khu vực cửa khẩu.
Anh Nguyễn Việt Kiên, lái xe chở mít từ tỉnh Tiền Giang lên cửa khẩu Lạng Sơn vào sáng ngày 16/2 - một trong nhiều người kí cam kết tại chốt nói, dù đã biết sơ bộ thông tin tạm ngừng tiếp nhận hàng nhưng nghĩ rằng hết ngày 16/2 mới cấm nên vẫn đưa hàng lên. “Bây giờ chủ hàng yêu cầu đánh xe vào thành phố Lạng Sơn kiếm bãi đỗ, chờ đến khi nào được thông quan trở lại thì mới bắt đầu đi tiếp. Giờ đành phải đưa xe tìm chỗ đỗ mà người ta cho thuê để đợi. Tôi cũng muốn sang hàng nhanh chóng để về nhưng tình trạng ùn tắc như vậy cũng rất là vất vả, nhưng tình hình chung nên phải chịu”, anh Kiên cho biết.
Hiện xe chở hàng xuất khẩu còn tồn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn lên tới hơn 2.000 phương tiện trong khi năng lực thông quan rất hạn chế. Tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện lưu lượng thông quan chỉ đạt khoảng 100 xe/ngày. Trước áp lực lên hạ tầng bến bãi, lực lượng chức năng đã tổ chức xử lý mặt bằng tại bãi trung chuyển, giải quyết tình trạng phương tiện dừng đỗ chờ dọc quốc lộ 1A gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT. Cùng với đó, các vấn đề về chống tiêu cực trong việc “xếp lốt” hàng xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả mặt hàng thiết yếu, xăng dầu cho lái xe đường dài phải lưu trú dài ngày cũng được địa phương quan tâm.
“Phòng CSGT tỉnh đề nghị các lái xe đang chờ tại khu vực cửa khẩu phải tuân thủ, chấp hành nghiêm sự sắp xếp, hướng dẫn, điều tiết, phân luồng và quản lý của các lực lượng chức năng để các phương tiện sắp xếp ngăn nắp, an toàn khi tiếp tục di chuyển vào cửa khẩu, tránh tình trạng xáo trộn, lộn xộn dẫn đến ùn tắc xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến cáo, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh của đội ngũ lái xe đường dài”, Thượng tá Phạm Đức Vĩ, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết.Sau Tết, tình trạng ùn ứ xe hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn lại tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân chính vẫn là phía Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, siết chặt công tác quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhiệm vụ cấp bách mà tỉnh Lạng Sơn đặt ra trong lúc này là triển khai đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng giải phóng hơn 2.000 xe hàng còn tồn đọng tại các cửa khẩu. Cùng với đó là tích cực tiến hành hội đàm các cấp với nước bạn Trung Quốc nhằm thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa qua biên giới.
“Hiện nay tại cửa khẩu Tân Thanh trung bình một ngày chỉ xuất được 30-35 phương tiện. Nguyên nhân chính khiến năng lực thông quan chậm là Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh y tế chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giao nhận hàng hóa. Chi cục Hải quan đã bố trí lực lượng trong dây chuyền nghiệp vụ tạo mọi điều kiện cho các DN, đảm bảo trực, làm thủ tục 24/7. Trước khó khăn chung, chúng tôi cũng mong muốn các Bộ, ngành quan tâm, trao đổi với nước bạn để phía bạn nới lỏng các biện pháp kiểm soát, thực hiện quay trở lại phương thức như trước đây để giải phóng, thông quan hàng hóa được nhanh nhất”, ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh thông tin.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của tỉnh Lạng Sơn, yêu cầu đặt ra tại thời điểm này là các địa phương, DN cần phối hợp chặt chẽ, điều tiết xe theo thông báo của các cơ quan chức năng để tránh tình trạng tự phát đưa xe hàng lên gây ùn tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng hóa và doanh thu…
Cùng với đó, các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn các DN lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường thủy, đường sắt nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác…