Lao đao kinh doanh điện máy

Thị trường điện máy đầu năm 2012 đón nhận nhiều tin không vui khi hàng loạt chuỗi cửa hàng liên tiếp đóng cửa. Tình hình này khó sớm cải thiện được do kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng ngày càng sụt giảm mạnh.

Thị trường điện máy đầu năm 2012 đón nhận nhiều tin không vui khi hàng loạt chuỗi cửa hàng liên tiếp đóng cửa. Tình hình này khó sớm cải thiện được do kinh tế khó khăn, sức mua của người tiêu dùng ngày càng sụt giảm mạnh.

Ế khách

Quan sát tại cửa hàng Thế giới Di động trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TPHCM), chúng tôi nhận thấy dù treo vô số biển quảng cáo hấp dẫn như Tiếp sức mua mùa bão giá, trợ giá đến 49%, các băng rôn giới thiệu chảo chống dính giá 99.000 đồng, điện thoại di động 299.000 đồng… và nhiều chương trình ưu đãi nhưng trong cửa hàng nhân viên thường đông hơn người mua sắm.

Cả ngày chỉ có rải rác vài chục khách hàng đến xem nhưng lượng người ra về với món hàng trên tay không lớn. Một nhân viên cho biết: “Trước đây, lượng khách hàng đến tham quan, mua sắm rất đông nên cửa hàng tuyển nhiều nhân viên để khâu phục vụ được chu đáo. Nhưng gần đây lượng khách hàng sụt giảm nhiều, nhìn vào cửa hàng chỉ thấy toàn nhân viên chẳng thấy khách đâu”.

Quang cảnh vắng vẻ tại một siêu thị điện máy. Ảnh: LÃ ANH

Quang cảnh vắng vẻ tại một siêu thị điện máy. Ảnh: LÃ ANH

Tương tự tại trung tâm điện máy Ideas trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5, trước đây muốn chen được xe vào bãi gửi xe là một việc khá vất vả do lượng xe ra vào đông đúc, xe đậu chật kín từ sáng đến tối nhưng nay lúc nào bãi xe cũng rộng rãi do ít khách đến. Bên trong các quầy trưng bày sản phẩm, không gian trầm lắng, nhân viên bán hàng người đứng khoanh tay, người bấm điện thoại hoặc tán gẫu với nhau.

Khi chúng tôi hỏi mua một chiếc điện thoại có tới 3, 4 nhân viên đến tư vấn. Tại nhiều nơi khác như dienmay.com trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, siêu thị điện máy Thiên Hòa tuy vào buổi tối cuối tuần nhưng khách đến tham quan, mua hàng cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trung tâm điện máy Nguyễn Kim năm ngoái lúc nào cũng tấp nập xe giao hàng đậu trước cổng nay cổng vào đã thông thoáng hơn nhiều.

Theo Bộ Công Thương, sức mua của ngành điện, điện tử trong quý I-2012 sụt giảm mạnh do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều siêu thị điện máy do không cầm cự được đã đóng cửa. Mới đây, siêu thị điện máy Best Carings đóng cửa hàng loạt từ cửa hàng nằm ở Vincom (Hà Nội) đến cửa hàng ở quận 7, TPHCM. Việc các siêu thị điện máy rời khỏi sân chơi không còn là điều mới mẻ mà dường như đã trở nên quá quen thuộc.

Tháng 6-2011, Wonderbuy tuyên bố phá sản với số nợ trên 52 tỷ đồng chỉ sau 1 năm hoạt động, gây rúng động thị trường. Trước Wonderbuy, nhiều cửa hàng khác âm thầm rút lui không kèn không trống đến nỗi chỉ có người tiêu dùng mới biết được và từ đó tin tức mới lan dần ra thị trường như sự “biến mất” của một số siêu thị điện máy như Lộc Lê, Vietnamshop.com do quá vắng khách.

Ngay cả một “đại gia” như Nguyễn Kim, đầu năm nay cũng đã đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24g tại TPHCM (mới khai trương vào tháng 7-2011) với lý do chuỗi cửa hàng này sẽ chuyển thành Trung tâm Thương mại Sài Gòn Nguyễn Kim. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa thấy dấu hiệu nào về sự xuất hiện của trung tâm thương mại này trên thị trường.

Khó khăn sẽ kéo dài

Theo thông tin trên thị trường điện máy, kinh tế khó khăn đang kéo doanh thu của ngành này sụt giảm mạnh. Tính toán chi phí từ khâu nhập hàng đến phân phối, bán lẻ, các mặt hàng điện máy hiện nay cần phải tăng giá từ 15-20% DN mới trang trải đủ chi phí. Song điều này là bất khả kháng vì trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các cửa hàng phải liên tục giảm giá, ưu đãi để kéo khách, giữ thương hiệu trong lòng khách hàng.

Trong khi đó, các siêu thị điện máy luôn nằm ở những địa điểm mặt tiền, trung tâm thành phố nên giá thuê cao ngất ngưởng, tạo áp lực chi phí mặt bằng rất lớn. Trong tổng số chi phí hoạt động, chi phí mặt bằng chiếm đến 50%.

Một số đơn vị cho biết, khi đầu tư vào một siêu thị điện máy, mỗi tháng doanh số tính trên diện tích sàn phải đạt khoảng 100 triệu đồng/m2 mới có được lợi nhuận, nhưng con số này chỉ còn là hy vọng so với thực tế dưới 30 triệu đồng/m2 hiện nay.

Một cái khó nữa là lượng hàng tồn kho của thị trường điện máy lại đang nằm ở mức cao nhất so với các ngành hàng khác. Chính vì vậy, các DN điện máy đang phải chấp nhận thua lỗ để xả hàng tồn kho bằng những đợt khuyến mại giảm giá “khủng”.

Đối tượng khách hàng cũng theo đó mà thay đổi, trước đây, điện máy hướng đến khách hàng có thu nhập tốt thì hiện nay lại hướng đến tất cả các đối tượng khách hàng, nhất là khách hàng bình dân để khai thác phân khúc khách hàng chưa sở hữu nhiều hàng điện máy trong gia đình.

Một giám đốc kinh doanh của một công ty điện máy TPHCM cho biết: “Tình hình kinh doanh điện máy hiện nay khá bi đát nhưng muốn thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập để củng cố, gia tăng sức mạnh cũng không xong vì hiện siêu thị điện máy được định giá thấp do tình hình thị trường ảm đạm, thậm chí cũng không có nhiều người muốn bỏ tiền đầu tư vào hoạt động không sinh lời”.

Vào cuối năm 2011, có một DN muốn bán 70% cổ phần với giá 120 triệu USD nhưng nhà đầu tư chỉ đồng ý với mức giá 70 triệu USD nên thương vụ không thành công. Đến cuối quý I-2012, DN này đồng ý mức giá thương lượng nhưng nhà đầu tư lại cho rằng hiện nay, 70% cổ phần của chuỗi cửa hàng này chỉ đạt được mức giá 30 triệu USD.

Với tình trạng này, nhiều chuyên gia dự báo ngoài việc nhiều tên tuổi nhỏ lẻ chắc chắn sẽ đóng cửa, thị trường có thể đón nhận cú sốc khi một số thương hiệu lớn có thể sẽ phải chia tay thị trường do không thể cầm cự lâu hơn.

Các tin khác