Lào - tiềm năng và cơ hội

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang có chuyến thăm chính thức đến CHDCND Lào. Nhân sự kiện này, ĐTTC giới thiệu vài nét về những tiềm năng và cơ hội đầu tư ở đất nước này.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang có chuyến thăm chính thức đến CHDCND Lào. Nhân sự kiện này, ĐTTC giới thiệu vài nét về những tiềm năng và cơ hội đầu tư ở đất nước này.

Dù là một nước nằm sâu trong lục địa, không tiếp giáp với biển, Lào có tiềm năng về nhiều loại tài nguyên như rừng (chiếm 47% diện tích), khai khoáng và thủy điện…

Là một nước có dòng Mê Công đi qua, Lào đang dần nổi lên như một thế lực quan trọng trong việc cung cấp thủy điện cho khu vực, đặc biệt cho các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Sông Mê Công cũng tạo ra một số đồng bằng nhỏ phù hợp cho sản xuất nông nghiệp như đồng bằng Vientiane, Champasack... Lào có 800.000ha đất canh tác nông nghiệp với 85% dân số sống bằng nghề nông.

Kể từ năm 1986, Lào bắt đầu dỡ bỏ tập trung hóa và tăng cường phát triển doanh nghiệp tư nhân. Nhờ đó, nền kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng bình quân ấn tượng 7%/năm trong giai đoạn từ năm 1988-2000 và 6,8% từ năm 2000-2010.

Đặc biệt, năm 2009 dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều khó khăn nhưng kinh tế nước này vẫn đạt được mức tăng trưởng 6,7%. Năm 2010, GDP của Lào ước tính tăng 7,7%, là mức rất cao so với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. GDP bình quân tính theo sức mua tương đương của Lào vào năm 2009 là 2.300USD, gần theo kịp Việt Nam và bỏ xa Campuchia.

Việt Nam là một trong những nhà đầu tư và đối tác giao thương hàng đầu của Lào. Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 9-2.

Việt Nam là một trong những nhà đầu tư và đối tác giao thương hàng đầu của Lào.
Trong ảnh: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức CHDCND Lào từ ngày 9-2.

Cùng với những thành tựu đạt được gần đây, Lào ngày càng thu hút vốn FDI nhiều hơn, từ mức chỉ 17 triệu USD vào năm 2004 lên đến 700-900 triệu USD trong các năm 2007-2010. Tính đến năm 2007, vốn FDI chiếm tới gần 20% GDP Lào. Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc nằm trong nhóm những nước đứng đầu về đầu tư FDI vào Lào trong những năm qua.

Trong đó, Trung Quốc đặc biệt đầu tư mạnh vào khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản và đất đai ở Lào. Ngoài ra, ngoại thương của Lào cũng đang tăng mạnh. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nước này. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước ước tính đạt gần 1 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2008.

Lào còn một ưu thế khác là có lạm phát ổn định, đã được kiểm soát khá tốt kể từ năm 2004 đến nay. Trong khi đó, nội tệ của Lào (đồng kip) không ngừng tăng giá so với USD trong những năm qua. Từ năm 2005 đến nay, tính theo tỷ giá danh nghĩa kip (lak) đã lên giá 32%, tỷ giá thực tăng hơn 20% so với USD.

Kể từ ngày 11-1-2011, Lào chính thức thiết lập thị trường chứng khoán với sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Lào. Hiện tại có 2 doanh nghiệp được niêm yết là Công ty Điện lực Lào (EDL-Gen) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL).

Cổ phiếu của cả 2 công ty này đều được đánh giá có tiềm năng cao, đặc biệt với tiềm năng từ thủy điện của Lào hiện nay. Tuy nhiên, nước này vẫn giới hạn nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa 10% cố phiếu của 1 mã.

Dù có nhiều tiềm năng và phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây, Lào vẫn còn là một đất nước với cơ sở hạ tầng lạc hậu và là một trong những nước nghèo nhất của khu vực Đông Nam Á. Hệ thống đường bộ dù đã được cải thiện nhiều trong những năm qua nhưng nhìn chung vẫn kém, khiến việc đi lại và vận chuyển hàng hóa khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống liên lạc viễn thông trong nước và quốc tế ở Lào còn giới hạn, điện sinh hoạt chỉ mới có ở một số khu vực đô thị. Một số nhà quan sát cho rằng Lào đến nay vẫn không thu hút được nhiều đầu tư từ các nước phương Tây chủ yếu xuất phát từ những lo ngại về các quy định, chính sách, năng lực của người lao động và sự thiếu minh bạch của đất nước này.

Theo các nhà kinh tế học, Lào cần có các chính sách thúc đẩy đầu tư. Khảo sát của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy nạn tham nhũng, những quy định chưa phù hợp và lực lượng lao động tay nghề kém đã đẩy Lào xuống vị trí thấp thứ hai về môi trường đầu tư trong khu vực, chỉ trên Đông Timor.

Các tin khác