Hiện nay chỉ một số tuyến đường cao tốc được lắp đặt camera. Trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 110 camera giám sát, TPHCM - Trung Lương 11 camera, Đà Nẵng - Quảng Ngãi 78 camera... Hệ thống camera khi ứng dụng cho việc phạt nguội trên toàn quốc đã giúp ghi nhận, phát hiện để lực lượng chức năng xử phạt trên 120.000 trường hợp vi phạm.
Vì thế, đề án trang bị toàn bộ hệ thống camera cho các tuyến cao tốc và Quốc lộ 1 rất được người dân ủng hộ. Song điều băn khoăn là vẫn chưa có quy định bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới. Nếu việc lắp đặt được làm từ đầu, cùng thời điểm xây mới cao tốc sẽ vừa giảm được nhiều công đoạn, chi phí và có thể khai thác được sớm, mang lại nhiều lợi ích cộng đồng.
Một trong những tâm lý nguy hiểm của người tham gia giao thông hiện nay là không tuân thủ đèn tín hiệu cũng như biển báo giao thông khi không có cảnh sát giao thông (CSGT), với những cảnh chen lấn, lạng lách và thậm chí vượt đèn đỏ. Vì thế, khi có camera giám sát giao thông, kết quả phạt nguội thể hiện rất rõ ràng. Con số thống kê cho biết, Hà Nội có hơn 200 camera giám sát, xử lý vi phạm lắp đặt trên các tuyến đường, nút giao trung tâm.
Từ tháng 11-2019 đến tháng 11-2020 có khoảng 16.000 tài xế bị phạt nguội qua hệ thống camera. Do thông tin vi phạm được cập nhật thường xuyên lên hệ thống tra cứu của Cục CSGT, số lượng người đến nộp phạt tại Hà Nội thời gian vừa rồi tăng cao gấp nhiều lần, có ngày khoảng 40 người. Đáng chú ý có trường hợp nữ tài xế trong 5 tháng vi phạm 28 lần cùng lỗi dừng đỗ ở nơi có biển cấm dừng, cấm đỗ, tổng số tiền phải nộp phạt 16,7 triệu đồng.
Từ những hiệu quả bước đầu ở các địa phương, Cục CSGT cho biết ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, sẽ đề xuất lắp đặt 2 loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm. Nếu được Thủ tướng thông qua, việc lắp đặt camera phạt nguội sẽ triển khai từ năm 2021.
Lãnh đạo Cục CSGT nhấn mạnh: “Yêu cầu đặt ra là ngoài phục vụ xử lý phạt nguội đối với các lỗi vi phạm giao thông, tất cả camera lắp đặt phải được kết nối sử dụng nhiều mục đích khác như phát hiện tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự... Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của xã hội. Đề án hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác. Nếu đề án được thông qua, camera phạt nguội lắp đặt trên toàn quốc sẽ tối ưu hóa ứng dụng công nghệ vào xử phạt, nên CSGT chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết giải quyết tai nạn là chính. Việc lập chốt xử phạt chỉ thực hiện để phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng…”.
Hệ thống camera giám sát giao thông được kỳ vọng là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông khi không có lực lượng chức năng, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Việc tăng cường phạt nguội, hạn chế xử phạt thủ công sẽ đảm bảo sự minh bạch trong xử phạt và nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, CSGT sẽ không phải ra đường lập chốt để xử phạt nhiều như hiện nay. Hệ thống camera giám sát giao thông sẽ làm nhiệm vụ trực chiến thay cho lực lượng CSGT. Nói cách khác, các tài xế sẽ ái ngại khi đi trên những tuyến đường có camera giám sát vì không muốn bị phạt nguội. Nghĩa là, tình hình an toàn giao thông mong muốn được cải thiện, bằng cách đánh trực tiếp vào túi tiền của đối tượng cầm lái.
Trên thực tế, với những tuyến đường đã có hệ thống camera giám sát cũng xảy ra phương pháp đối phó kỳ quặc, đó là nhiều tài xế đã cố tình che biển số để không xác định được chủ xe vi phạm. Hiện nay quy định xử phạt hành chính cho lỗi này chưa tương xứng với hành vi, các cơ quan chức năng cần kiến nghị tăng mức phạt nhằm răn đe và chấn chỉnh cao hơn. Ngoài việc có thể truy xuất và đối chiếu dữ liệu để truy tìm những trường hợp che biển số vi phạm luật giao thông, CSGT cũng cần tuần tra thường xuyên để ngăn chặn các hung thần xa lộ.
Hình thức phạt nguội là một trong những biện pháp được các nước tiên tiến áp dụng phổ biến từ rất lâu, khắc phục được nhiều khuyết điểm về mặt chủ quan con người thực thi công vụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chứng minh hành vi vi phạm. Thế nhưng, làm sao để tận dụng tối đa lợi thế của hệ thống camera giao thông trong xử lý vi phạm hành chính là vấn đề phải cân nhắc mạch lạc. Giữa thiết bị kỹ thuật và quy định pháp luật có song hành với nhau chưa?
Theo giới luật sư, bên cạnh quá trình đồng bộ hóa, hiện đại hóa phương tiện, các nhà làm luật cần chú trọng hơn về việc tạo ra hành lang pháp lý thuận tiện, hợp lý để thực hiện. Nếu không khi triển khai trên diện rộng sẽ gặp rất nhiều vướng mắc về pháp lý phát sinh, nhất là trong điều kiện giao thông và văn hóa sử dụng, chuyển giao các phương tiện giao thông ở nước ta hiện nay.
Để hệ thống camera giám sát giao thông đáp ứng đúng kỳ vọng từ người tham gia giao thông, Cục CSGT phải xây dựng thêm quy chế xử lý kết quả thông tin. Những trạm tiếp nhận hình ảnh camera không thể và không nên làm việc suy nhất là sao lưu bằng chứng để phạt nguội, mà cần thêm thao tác nghiệp vụ để các tuyến đường được thông suốt. Có camera không cần phải đợi tin báo của quần chúng, CSGT phải chủ động triển khai nhiệm vụ.
Thí dụ, khi phát hiện qua camera ở điểm A xảy ra tai nạn giao thông, điều phối lực lượng ra sao để cấp cứu nạn nhân và phân luồng di chuyển cho xe cộ nhanh nhất. Hơn nữa, cần cụ thể về trách nhiệm nhân viên công vụ, khi có sự cố tắc đường, trong vòng bao nhiêu phút phải có CSGT đến hiện trường. Thật phi lý, khi có hệ thống camera giám sát dày đặc mà sự ùn ứ vì nguyên nhân nào đó lại kéo dài hàng giờ đồng hồ khiến người tham gia giao thông mệt mỏi và chán chường.