2 năm "trùm mền"
DA Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương (NĐKL) được Công ty Ensham (Australia) khởi động nghiên cứu khả thi vào năm 2006, đến năm 2007 được phê duyệt đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện lực VI. Là tập đoàn có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực đầu tư, cùng thời điểm này (giữa năm 2007), Tân Tạo xin đầu tư vào DA trên với quy mô gồm: khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy nhiệt điện than (4.400MW) và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương.
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Tân Tạo làm chủ đầu tư NĐKL, với tổng mức đầu tư 6,7 tỷ USD. Ngày 25-6-2008, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể địa điểm xây dựng NĐKL do CTCP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) lập.
Quy hoạch được phê duyệt trên tổng diện tích 556ha, trong đó khu vực NĐKL 203ha, diện tích mặt nước cảng biển 300ha và bãi thải xỉ 51ha. Tổng công suất NĐKL 4.400-5.200MW gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than: Kiên Lương 1 công suất 2 x 600MW, Kiên Lương 2 công suất 2 x (600-1.000MW) và Kiên Lương 3 công suất 2 x 1.000MW. Nguyên liệu chính là than nhập khẩu (10-12 triệu tấn/năm) và nguyên liệu phụ là dầu FO/DO. Thời gian vận hành 3 nhà máy dự kiến lần lượt vào năm 2013, 2015 và 2017.
Hiện một số ngân hàng nước ngoài đã đồng ý cho Tân Tạo vay để tiếp tục triển khai DA, với điều kiện phải có bảo lãnh và cam kết của Chính phủ và hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Thế nhưng, đến nay Chính phủ vẫn chưa chấp thuận và việc đàm phán với các bộ có liên quan cũng đang gặp bế tắc. Vấn đề quan trọng nhất để đẩy nhanh tiến độ thu xếp vốn là việc Chính phủ đồng ý ký thỏa thuận bảo lãnh và cam kết. Ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc ITACO |
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, DA NĐKL vẫn ở điểm xuất phát thấp, nhất là trong 2 năm gần đây DA "giậm chân tại chỗ" và đối mặt với nhiều khó khăn. Theo tìm hiểu của ĐTTC, chủ đầu tư đang bế tắc trong thỏa thuận giá đền bù, dẫn đến khiếu kiện kéo dài do giá đền bù thấp.
Với diện tích đất đã thu hồi, bàn giao, chủ đầu tư đã nạo vét bùn, thực hiện san lấp trên 88ha của DA Kiên Lương 1, xây dựng khu nhà ở chuyên gia, trạm trộn bê tông, đóng cừ đê bao… Các hạng mục này đang phải tạm ngưng. Riêng về hạng mục 200ha khu tập kết vật liệu, ITACO đề nghị tỉnh Kiên Giang xem xét chấp thuận về việc không tiếp tục đầu tư.
Theo ông Thái Văn Mến, Tổng giám đốc ITACO, nguyên nhân của sự chậm trễ do trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư đã gặp nhiều khó khăn nhưng không được sự hỗ trợ của địa phương.
Cụ thể, để có đá thi công bờ kè, đê bao, chủ đầu tư thông qua đơn vị thành viên là CTCP Đầu tư Công nghiệp Tân Kiên đã xin được mỏ đá Hòn Sóc. Dù Tân Kiên được cấp sổ đỏ và đang khai thác nhưng UBND tỉnh Kiên Giang đã thu hồi giấy phép, giao cho đơn vị khác.
Hoặc tỉnh Kiên Giang đã có quyết định cho phép chủ đầu tư tận dụng đất từ việc đào hồ để san lấp mặt bằng, khi triển khai đã bị chính quyền địa phương cản trở, không cho thực hiện, buộc công ty phải nhập khẩu nguyên liệu san lấp từ Campuchia với giá cao.
Theo chủ đầu tư, việc ngưng thi công DA trong thời gian dài đã gây lãng phí nghiêm trọng, riêng lãi suất vay ngân hàng đã lên tới 30 triệu USD. Trong khi đó, theo các sở, ngành tỉnh Kiên Giang, từ khi có DA NĐKL, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng rất nỗ lực hỗ trợ nhà đầu tư, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, nên chủ đầu tư đổ lỗi cho địa phương là vô lý.
Sắp tới ngày phán xét
Có thể nói, nút thắt lớn nhất của DA NĐKL là chủ đầu tư chưa tìm ra nguồn vốn. Kiến nghị của chủ đầu tư muốn được Chính phủ bảo lãnh vay vốn đã đệ trình và lấy ý kiến các bộ, ngành từ năm 2010, nhưng cho tới nay vẫn chưa có câu trả lời, cho thấy tính khả thi rất thấp.
Bởi đây là DA đầu tiên theo hình thức BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu) trong lĩnh vực điện nên chưa có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật. Hơn nữa, Chính phủ cũng không thể ưu ái đứng ra bảo lãnh tín dụng cho một doanh nghiệp tư nhân.
|
Sau 5 năm khởi động, dự án Trung tâm NĐKL vẫn là bãi đất mênh mông. Ảnh: MINH TUẤN |
Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư không tìm ra được hướng tháo gỡ, ngày 5-3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng ra thông báo "cứng rắn" gửi đến ITACO: "Việc xác nhận bảo lãnh của Chính phủ đối với DA NĐKL, thì CTCP Năng lượng Tân Tạo và ITACO phải chủ động làm việc với bộ, ngành trung ương để báo cáo Chính phủ quyết định.
Đến ngày 30-6-2013 phải có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục đầu tư hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư, báo cáo với UBND tỉnh. Nếu quá thời hạn trên, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét và quyết định có nên tiếp tục chủ trương đầu tư hay dừng". Trước đó, trong chuyến công tác làm việc với tỉnh Kiên Giang cuối tháng 4-2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo tỉnh Kiên Giang làm văn bản trình Chính phủ thu hồi chủ trương đối với nhà đầu tư hiện nay, đồng thời tìm nhà đầu tư mới đủ năng lực để tiếp tục triển khai DA NĐKL.
Chưa biết ITACO sẽ xoay sở như thế nào, song động thái của UBND tỉnh Kiên Giang dường như đã muốn "kết" lại DA của ITACO và mở ra cơ hội cho những nhà đầu tư có tiềm lực. Mới đây, Công ty Graham Bell and Associates Limited - GBA (Anh) đã có văn bản đề nghị làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang để xin chủ trương đầu tư vào Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương (một hạng mục của DA NĐKL) với tổng mức đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kiên Giang, cuối tháng 5 này các sở Công Thương, Kế hoạch - Đầu tư sẽ có buổi làm việc với GBA và các sở ban ngành liên quan về DA NĐKL.