Dù vẫn còn đó bóng ma của chế độ phân biệt chủng tộc và một vùng đất buộc phải đương đầu với đại dịch HIV/AIDS, châu Phi có thể coi là châu lục của lễ hội. Có dịp đi châu Phi, qua Ethiopia, Mozampique, Nam Phi… chắc bạn sẽ ngỡ ngàng trước khung cảnh thiên nhiên, cách sống, sự nồng nhiệt của người dân ở đây...
Lung linh lễ hội chọn vợ
Lễ hội Cây sậy (Umhlanga) được coi là lễ hội chọn vợ một cách cổ xưa nhất của vùng Swaziland, Nam Phi. Lễ hội được tổ chức hàng năm, nhằm tôn vinh sự trinh tiết của các cô gái.
Gọi là Lễ hội Cây sậy vì người tham dự, cả nam lẫn nữ đều mang theo mỗi người một bó sậy, trước hết dùng để che đi một phần cơ thể quá nhạy cảm trước đám đông, sau nữa cũng là một thứ “đạo cụ trang trí và trình diễn”, làm tăng thêm vẻ đẹp của cơ thể.
![]() |
Các cô gái trong lễ hội Cây sậy. |
Lễ hội rất phóng túng nhưng thực ra chỉ có những cô gái có thân hình đẹp, tự tin mới thực sự trở thành nhân vật của lễ hội, bởi trong số hàng chục ngàn người đến với Lễ hội Cây sậy, chỉ khoảng 1/3 cô gái trong số đó dám để ngực trần phô diễn trước đám đông nghìn nghịt người.
Vẻ đẹp tạo hóa và sự tinh khôi của cơ thể thiếu nữ đem đến niềm say mê và cả sự tôn trọng cho người dự lễ, chứ không phải là sự gợi dục, xô bồ.
Có thể ai đó bị sốc khi chứng kiến cảnh cả ngàn bộ ngực thiếu nữ phơi bày dưới ánh nắng mặt trời. Nhưng rồi những ý nghĩ không mấy trong sạch nhanh chóng qua đi, bởi những con người ngực trần kia cho thấy họ đang tự hào về cơ thể của mình, chứ không phải là việc lợi dụng cơ thể để quyến rũ người khác một cách tầm thường.
Nhìn nam thanh niên châu Phi thổi vang dội chiếc kèn Vuvuzela, chợt thấy họ giống như những cây bao-báp hùng vĩ; còn nhìn những thiếu nữ ngực trần trong Lễ hội Cây sậy bỗng liên tưởng đến những pho tượng châu Phi với những nhát khắc dứt khoát, không cần tìm kiếm vẻ đẹp ở sự vờn tỉa thông thường.
Cuồng nhiệt lễ cưới
Đám cưới của người Barbe ở Marocco - quốc gia phía Tây Bắc châu Phi - thủ tục cưới xin vẫn theo nếp cũ có từ xa xưa. Do sự cầu kỳ của các lễ nghi, nên trong một chừng mực nào đó dưới con mắt của những người đến từ “nền văn minh khác” lại cho đó là hủ tục.
Bà mẹ của cô dâu người Barbe cho biết, bà vẫn giữ nguyên tập tục bà và mẹ của bà truyền lại khi con gái lấy chồng: “Tất cả những điều ấy phải được gìn giữ, cho dù lớp trẻ bây giờ đã sống khác chúng tôi rất nhiều”.
![]() |
Bà mẹ người Barbe (Moroco) thực hiện lễ đội |
Con gái mới 15 tuổi nhưng có người đến hỏi, bà cũng không ngần ngại gả ngay, cho dù luật pháp nước này quy định con gái 16 tuổi mới được kết hôn.
“Tôi sẽ đội lên đầu nó một chiếc khăn, rồi chúc phúc cho nó. Hy vọng nó về nhà chồng sẽ đẻ được nhiều con, được chồng tôn trọng” - bà nói và lấy từ trong chiếc rương gỗ khá to ra một chiếc khăn mua trước đó 5 năm, khi con gái bà mới 10 tuổi, gọi là để phòng sẵn khi con gái lấy chồng. Người Barbe tin rằng nhà nào có con gái nếu biết chuẩn bị khăn cho con từ trước, cô gái sẽ sớm có người xin cưới.
Trong lúc người mẹ đội khăn và chúc phúc cho con, ngoài sân người ta đã bày la liệt những mâm cỗ. Cũng như các đám cưới khác, đám cưới này thu hút cư dân cả làng tham dự, cho dù họ không có phong tục đi mời như ở nhiều nước.
Người Barbe sống hồn nhiên và mang tính cộng đồng rất cao. Niềm vui của một người cũng là niềm vui của cả làng và ngược lại, người nào đó có chuyện buồn thì cả làng cùng buồn theo.
Người đi dự cưới không mang “bao thư” hoặc đồ mừng cưới, mà chỉ đi tay không, hồn nhiên chung vui và đánh chén với chủ nhà. Sau khi lễ đội khăn kết thúc, mẹ cô dâu từ trong nhà bước ra thì bữa tiệc mới chính thức bắt đầu. Mọi người ăn uống rất thoải mái, cứ vô tư đi từ mâm này sang mâm khác, không bó buộc ai phải ngồi mâm nấy.
Tiệc cưới nhà gái bao giờ cũng được làm vào buổi chiều, để đến khi thức ăn hết, tiệc tàn cũng là khi đêm xuống. Lúc đó người ta cùng nhau vào cuộc múa hát tưng bừng thâu đêm suốt sáng. Cô dâu cũng tham dự, trên đầu vẫn đội chiếc khăn chúc phúc. Thường thì cặp vợ chồng trẻ ở đây không có đêm tân hôn, họ nhảy múa cùng mọi người suốt đêm.