Đến dự lễ tưởng niệm tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM… cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Tại hai điểm cầu, có sự hiện diện của các đoàn ngoại giao, đoàn lãnh sự, các tổ chức quốc tế; các đơn vị, lực lượng tham gia phòng chống dịch; đại diện thân nhân, gia đình đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Cuộc chiến với làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong suốt 5 tháng qua đã để lại nhiều mất, mát đau thương không thể thống kê bằng con số, không thể đong đếm diễn tả bằng ngôn từ. Tất cả đã gặp nhau tại Hội trường Thống Nhất, cùng hướng về những người đã mất trong đại dịch, cùng xoa dịu người ở lại gượng dậy sau mất mát.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chia sẻ, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 bùng phát, gây tổn thất nặng nề cho cả thế giới, trong đó có nước ta. Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đã có nhiều nghĩa cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào làm lay động lòng người.
Đó là những ATM gạo, ATM oxy, “chợ 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng” trong vùng dịch, “nhường cơm xẻ áo cho nhau” trong lúc khó khăn thiếu thốn. Hàng triệu “phần quà đại đoàn kết” và “túi an sinh”, hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, hàng ngàn tấn trang thiết bị y tế của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã được chở vào vùng dịch, chia sẻ khó khăn với nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước đã ủng hộ hàng chục ngàn tỷ đồng để mua vaccine tiêm miễn phí cho nhân dân. Nhân dân ở vùng phong tỏa, các khu cách ly, giãn cách xã hội một thời gian dài đã khắc phục khó khăn, thiếu thốn, đồng lòng, chung sức để phòng chống dịch.
Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đã khắc phục mọi khó khăn, bất chấp nguy hiểm, xông pha vào tâm dịch, với những tháng ngày làm việc quên mình, dốc tâm lực chăm sóc, chữa trị người bệnh như người thân yêu, ruột thịt của mình. Hàng ngàn thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã mắc Covid-19, hàng trăm người đã qua đời..
“Có thể nói, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trực tiếp là Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang và nhân dân TPHCM và các tỉnh phía Nam đã làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh và cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn 1 triệu người mắc Covid-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, đồng chí.
Nỗi đau đến tột cùng khi nhiều người đến lúc nhắm mắt xuôi tay không có người thân ở bên cạnh, không một lời trăng trối. Nhiều gia đình có 2-3 người tử vong, có những người trong cơn đại dịch đã mất cả cha lẫn mẹ. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ, không được uống giọt sữa đầu đời. Đại dịch tàn ác đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình đang êm ấm: Cháu mất ông bà, cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ… Đại dịch tràn qua, để lại hàng ngàn người già yếu không còn nơi nương tựa, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, thật là xót thương, nhói lòng và rơi lệ. |
Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, do dịch bệnh quá ác liệt, nguy hiểm nên mặc dù rất cố gắng nhưng có nhiều người chưa được tổ chức lễ tang chu đáo theo phong tục, tập quán, để lại nỗi đau day dứt trong lòng người thân và đồng đội, đồng chí.
“Trong giờ phút thiêng liêng này, xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ, thành kính nghiêng mình tiễn biệt đồng bào, đồng chí và kiều bào đã hy sinh và tử vong vì dịch bệnh; cầu cho các linh hồn được siêu thoát; linh thiêng, phù hộ, độ trì cho quốc thái, dân an; dịch bệnh Covid-19 sớm được tiêu trừ để nhân loại không phải gánh chịu thêm đau thương, mất mát nữa”, đồng chí Đỗ Văn Chiến xúc động.
Theo đồng chí, các cháu không còn cha, mẹ nhưng bên cạnh các cháu còn có Đảng, Nhà nước, bà con lối xóm, họ hàng thân thích, sẽ đồng hành cùng với các cháu trên con đường bước vào đời. “Tuy sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng tôi tin tưởng các cháu sẽ chăm ngoan, học tập tốt trở thành những người có ích cho xã hội”, đồng chí Đỗ Văn Chiến nói.
Đến nay, cơ bản nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh. Đảng và Nhà nước đã và sẽ ban hành nhiều quyết sách quan trọng để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả nặng nề do dịch bệnh để lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến trân trọng đề nghị đồng bào, đồng chí, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tiếp tục đoàn kết chặt chẽ, đề cao ý thức phòng chống dịch bệnh, không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không hoang mang, hốt hoảng.
Trong thời khắc thiêng liêng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị đồng bào, đồng chí trên mọi miền đất nước dành những giây phút lắng đọng nhất thành kính dâng hương, dâng hoa, tắt đèn, thắp nến, rung chuông, kéo còi tàu, thả hoa đăng tưởng nhớ, tri ân và tiễn biệt đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Cùng nhau cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát, yên giấc ngàn thu.
Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo và người dân cùng thực hiện nghi thức tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Cùng thời điểm đó, các cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ), đồng loạt đổ chuông tưởng niệm; các tàu, thuyền, sà lan… đang lưu đậu tại các khu vực cảng cũng đã kéo còi tưởng niệm.
Tại các quận 1, 3, 4, 5, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Tân Bình tổ chức thả hoa đăng tại tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé.
Cả nước hướng về TPHCM và các tỉnh phía Nam trong giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc chiến sinh tử. Huy động lực lợng lớn chưa từng có: hơn 300.000 cán bộ Trung ương, địa phương, hơn 20.000 cán bộ y tế, gần 260.000 cán bộ, chiến sĩ vào TPHCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ. |
Tại điểm cầu TP Hà Nội, lễ tưởng niệm được tổ chức trang nghiêm, trang trọng và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng theo ghi nhận, trước khi buổi lễ diễn ra, hơn 100 người dân đã tới chùa Quán Sứ làm lễ cầu siêu. Phía ngoài sân, chùa cho thắp nến và xếp hoa đăng.
Ông Nguyễn Trung Nhân – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ cho biết: "Đến thời điểm này, có 5 quận, huyện cùng nhiều cơ sở thờ tự trên địa bàn tổ chức trực tiếp, cầu siêu, tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Đây là một hoạt động ý nghĩa, nhân văn, được sự hưởng ứng rộng rãi của tất cả các tôn giáo. Qua đây, chúng tôi gửi lời tri ân, cảm ơn bà con nhân dân, lực lượng tuyến đầu chống dịch thời gian qua đã nỗ lực, đồng lòng cùng thành phố trong cuộc chiến với đại dịch".
Ông cũng cho biết thêm, thời gian qua, TP Cần Thơ đã tiếp nhận hơn 38 tỷ đồng tiền mặt, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa với giá trị trên 163 tỷ đồng từ đông đảo nhân dân đóng góp để đồng hành cùng thành phố chống dịch.
Tại TP Đà Nẵng, dù không thực hiện cầu truyền hình tưởng niệm, các tăng ni, phật tử tại một số chùa cùng người dân có người thân tử vong do dịch Covid-19 thực hiện thắp hương, dâng hoa tưởng niệm người đã mất, đồng thời cầu mong dịch bệnh sớm đẩy lùi.
Trong tiếng chuông và lời kinh thệ, các tăng ni, phật tử tại chùa Tam Bảo (323 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tâm cầu siêu các đồng bào tử nạn vì đại dịch Covid-19, cầu nguyện sự an lành, dịch bệnh sớm tiêu trừ.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với ca nghi thức như niệm Phật, tụng kinh, dâng hương.
Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, buổi lễ không tập trung đông người, tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K, chư tăng và Phật tử đã thắp 2.000 ngọn nến hòa tâm cầu nguyện vào đêm cầu siêu nhằm xoa dịu nỗi đau của các gia đình có người thân tử vong do dịch Covid-19.
Đồng thời, lan tỏa tình nhân ái yêu thương, tiếp tục động viên khích lệ tinh thần các lực lượng đã và đang tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, phát huy truyền thống đại đoàn kết, ý chí quật cường của dân tộc, vượt qua khó khăn thách thức, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại chùa Bát Nhã (176 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu), đúng 20 giờ, tiếng chuông vang lên hòa cùng với tiếng chuông của của các nước. Sau tiếng chuông, các tăng ni, phật tử và thân nhân cùng dâng nến để tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Nhiều người dân có người thân mất do dịch Covid-19 đã đến chùa để thắp hương, đặt hoa tưởng niệm, đồng thời cầu mong dịch sẽ sớm được khống chế.
Trong sáng cùng ngày, một số đơn vị hành chính như các cơ sở y tế, công an… đã dành phút mặc niệm để tưởng niệm hơn 23.000 đồng bào tử vong do dịch bệnh.