Lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông

(ĐTTCO) - Các chuyên gia hàng hải quốc tế tiếp tục có nhiều ý kiến ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời lên án những hành động phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông.

Kêu gọi phản đối hành động phi pháp
 
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm 19-4 kêu gọi Chính phủ Philippines phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là 2 quận thuộc Hoàng Sa và Trường Sa, khi cả hai quần đảo này đều thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhằm kiểm soát biển Đông. Truyền hình GMA của Philippines dẫn lời ông Del Rosario tuyên bố: “Chúng tôi trân trọng kêu gọi chính phủ của chúng ta phản đối hành động này của Trung Quốc cũng như phản đối việc Trung Quốc đánh chìm tàu đánh cá Việt Nam vào ngày 8-4-2020”. Ông Del Rosario cũng cáo buộc Trung Quốc lợi dụng đại dịch Covid-19 để thúc đẩy các yêu sách bất hợp pháp tại vùng biển này.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. Ảnh: CSIS/AMTI

Báo Philippines Inquirer xuất bản ngày 20-4 trích dẫn lại lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”. Báo này dẫn lời chuyên gia hàng hải Philippines, giáo sư Jay Batongbacal cho biết, việc Trung Quốc tạo ra các quận mới là cách để chứng minh rằng “họ có quyền kiểm soát tuyệt đối” biển Đông.

Theo ông, sự im lặng ở một số quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có liên quan trực tiếp, sẽ được xem và mô tả như là “sự thông qua và chấp nhận hoặc công nhận chủ quyền của Trung Quốc” trong khu vực và tính hợp lệ của các yêu sách của họ, mặc dù rõ ràng là yêu sách quá đáng, bất hợp pháp và không được luật pháp quốc tế công nhận.

Phó thẩm phán cấp cao đã nghỉ hưu của Philippines, ông Antonio Carpio, người đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chiến thắng lịch sử của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Thường trực, cũng kêu gọi Chính phủ Philippines phản đối việc thành lập các quận mới của Trung Quốc.

Tạp chí The Diplomat dẫn lời ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), có trụ sở tại Wahington D.C (Mỹ) cho rằng, có hay không đại dịch Covid-19, Bắc Kinh vẫn không thay đổi chính sách về biển Đông. Theo ông Poling, Bắc Kinh rõ ràng quyết tâm thiết lập quyền kiểm soát đối với tất cả các hoạt động thời bình trong phạm vi đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), và có khả năng ở cả một số khu vực nằm ngoài. Theo ông, việc hoàn thành các căn cứ bất hợp pháp trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) đã cho phép Trung Quốc trong nhiều năm qua duy trì lực lượng bảo vệ bờ biển gần như liên tục và tạo áp lực cho đường 9 đoạn phi pháp.

Bước đi kịp thời của Việt Nam

“Bước đi đúng đắn và kịp thời của Việt Nam trong vấn đề biển Đông”  là nhận định của các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế cũng như các chuyên gia về vấn đề biển Đông tại Nga khi được biết về thông tin Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc  (LHQ) đã gửi công hàm đến Tổng Thư ký LHQ phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với biển Đông và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo TTXVN, Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg nhấn mạnh “bước đi đúng đắn và kịp thời của Việt Nam” chứng minh Việt Nam “là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia của mình phù hợp với hiến chương LHQ và các chuẩn mực luật pháp quốc tế”. Giáo sư Kolotov cũng cho rằng, năm 2020 là dịp để Việt Nam có hàng loạt cơ hội để triển khai hoạt động ngoại giao hiệu quả trong khuôn khổ LHQ cũng như ASEAN để góp phần làm cho thế giới trở nên an toàn và công bằng hơn.

Về phần mình, chuyên gia về các vấn đề an ninh quốc tế Grigory Trofimchuk cho biết, trong thời gian tới, ngay sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, cần tổ chức một hội nghị quốc tế lớn về vấn đề biển Đông. Hiện nay không có bất cứ cơ chế nào đảm bảo ngăn ngừa một cuộc xung đột toàn cầu khởi đầu từ khu vực này, cộng đồng quốc tế cần sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề biển Đông.

Theo báo Global Times (Trung Quốc), Bắc Kinh ngày 19-4 đã công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi đá và thực thể địa lý trên biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bộ Dân chính và Bộ Tài nguyên Trung Quốc ngang ngược đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý ở biển Đông. Ngoài việc tự tiện đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng.

Các tin khác