Theo thống kê của Cục Phát triển doanh nghiệp (DN) (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính từ năm 2001 đến cuối tháng 6-2012, cả nước có 658.645 DNNVV đăng ký thành lập, trong đó 468.023 DN đang hoạt động (chiếm khoảng 71,1%). Số DNNVV tính theo tiêu chí lao động qua từng năm tăng trung bình 22,11%/năm.
So với các nền kinh tế khác trên thế giới, số lượng DNNVV của Việt Nam là khá cao. Nhưng trong bối cảnh hội nhập, đội ngũ DN này đã gặp nhiều khó khăn, gây không ít lo ngại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng lực lượng DNNVV của Việt Nam hiện rất đông nhưng vẫn chưa đủ năng lực, trình độ công nghệ thiếu và yếu, kinh doanh thiếu tầm nhìn nên chưa thể chủ động sáng tạo để thích ứng với môi trường kinh doanh quốc tế.
Hơn nữa, khối DN này vẫn còn đối mặt với việc thiếu liên kết nội bộ lẫn liên kết đối tác, từ đó không thể xây dựng được mạng lưới kinh doanh hàng hóa trong nước lẫn trên thế giới. Những yếu tố này đã khiến cho các DNNVV khó có thể tiếp cận được vốn.
Thêm vào đó, hiện nay khối DNNVV lại hoạt động trong điều kiện thiệt thòi và khó khăn hơn các DN nhà nước, DN lớn hay các DN FDI. Những năm qua, cơ quan quản lý cũng đã triển khai các chính sách ưu đãi hoặc kết hợp với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước để đưa ra các chương trình hỗ trợ nhưng hầu hết chỉ là bản thảo trên giấy mà ít đi vào thực tế.
Đơn cử ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, hiện nay ngành hàng này của Việt Nam khá nổi tiếng và được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, đa số các DN kinh doanh trong lĩnh vực này là DNNVV, muốn xuất khẩu phải thông qua nhiều tầng nấc trung gian nên không thể tiếp cận với khách hàng.
Hạn chế này gây ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, thương hiệu của DN lẫn việc phát triển mẫu mã phù hợp với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng, từng thị trường khác nhau. Trong khi đó, muốn phát triển ở thị trường thế giới, DN chỉ bán từng lô hàng nhỏ cũng khó khăn nên các DNNVV trong ngành thủ công mỹ nghệ nói riêng và các ngành khác nói chung vẫn còn phụ thuộc vào trung gian và đối mặt với nhiều rào cản.
Nếu một DN nhỏ đưa hàng ra nước ngoài sẽ không dễ dàng và khó có thể đáp ứng được số lượng lớn. Song, nếu các DN kết hợp lại với nhau để bàn bạc đưa ra những mẫu mới và đưa hàng đến các thị trường để thử nghiệm sẽ tăng cơ hội hợp tác với các khách hàng lớn.
Đây cũng là cách để DN giảm bớt chi phí trong các khâu vận chuyển, phân phối… Ngoài ra, nếu các chính sách, chương trình hỗ trợ được đi vào hoạt động kinh doanh của DNNVV một cách thiết thực sẽ giúp cho khối DN này phát triển vững mạnh hơn trong thời gian tới.