Liên kết ngành trong cơ cấu kinh tế còn yếu

(ĐTTCO) - Ngày 6-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã tổ chức Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam”.
Phát biểu tại hội thảo, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, cơ cấu lại nền kinh tế được xác định là một trong những chủ trương lớn của Việt Nam trong những năm gần đây nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Một trong những nội dung quan trọng của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế là “Cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế theo hướng tăng cường liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng cường sức chống chịu gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế” với mục tiêu chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng đầu vào của sản xuất sang tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Liên kết ngành trong cơ cấu kinh tế còn yếu ảnh 1 Báo cáo của CIEM đã chỉ ra những hạn chế về liên kết ngành trong cơ cấu kinh tế hiện nay.
Theo TS Đặng Đức Anh, thực tiễn giai đoạn 2016–2021, cơ cấu lại ngành kinh tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng với nhiều cụm liên kết ngành, vùng được thúc đẩy; cơ cấu ngành dịch chuyển tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất nông nghiệp được tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và có thị trường xuất khẩu đa dạng; một số ngành dịch vụ được hiện đại hóa, hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao.
Dù vậy, cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn ra chậm, chưa có nhiều kết quả. Trong khi đó, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu và cơ cấu thị trường xuất khẩu… vẫn còn nhiều hạn chế, ít hình thành được các ngành nghề mới, sản phẩm mới, đặc biệt trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, do đó chưa đóng góp đáng kể vào cơ cấu lại các ngành. 
Bên cạnh đó, vẫn chưa có các cụm liên kết ngành theo đúng cách hiểu của các nước đang phát triển, các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành chưa đủ mạnh và sự kết nối giữa các tác nhân còn yếu, các kết nối mang tính tự phát trong phân chia tham gia các khâu trong chuỗi giá trị.
Báo cáo nghiên cứu của CIEM cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2016 - 2021, việc cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ, nâng cao sức chống chịu của ngành kinh tế còn nhiều hạn chế khi mà các ngành còn phụ thuộc vào bên ngoài cả về vốn, công nghệ và thị trường, cũng như chưa coi trọng chuyển giao công nghệ từ các dự án đầu tư nước ngoài, dự án có vốn viện trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi.
Đặc biệt, qua bối cảnh Covid-19 càng làm bộc lộ sự hạn chế về tính độc lập, tự chủ của các ngành kinh tế, tính dễ tổn thương do phụ thuộc vào bên ngoài.
Báo cáo nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo là khó khăn và bất định hơn, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng sâu rộng nền các ngành kinh tế; toàn cầu hóa và liên kết kinh tế tiếp tục là các xu thế lớn nhưng cục diện liên kết kinh tế–thương mại toàn cầu và khu vực biến chuyển phức tạp, nhanh và sâu sắc vượt dự báo.
Chưa kể, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trở nên gay gắt hơn, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị có xu hướng kéo dài; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra nhanh chóng với nhiều thành tựu được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội, và kinh tế của từng quốc gia. Chưa kể, các mô hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh diễn ra nhanh chóng, được nhiều quốc gia lựa chọn.
Do vậy, Việt Nam với địa lý là cửa ngõ của ASEAN, tiếp giáp với Trung Quốc… được dự báo sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng từ những biến động này. Từ đó, CIEM khuyến nghị, trong giai đoạn tới đây, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong đó tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng tăng cường sự liên kết giữa các và tăng tính tự chủ và khả năng chống chịu trước các “cú sốc” từ bên ngoài.
Đồng thời, CIEM cũng mong muốn, thông qua Hội thảo, các chuyên gia sẽ chia sẻ thêm những ý kiến, góc nhìn quý báu về kết quả cơ cấu lại nền ngành kinh tế trong suốt những năm vừa qua, ưu tiên cải cách hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn đến năm 2025.

Các tin khác