Trước đó, vào ngày 12-12-2011, Sở Công Thương TPHCM đã ký thoả thuận hợp tác thương mại với Sở Công Thương 20 tỉnh/thành miền Đông-Tây Nam bộ (giai đoạn 2011-2015). Đến ngày 22-3-2016, Sở Công Thương các tỉnh thành tiếp tục ký bản thoả thuận hợp tác công thương giai đoạn 2016-2020.
Trong suốt 5 năm qua, Sở Công Thương các địa phương đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình như chương trình Bình ổn thị trường; phối hợp phát triển hệ thống phân phối, xây dựng chuỗi cung ứng lưu thông hàng hoá hiệu quả, xuyên suốt; phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương.
Cụ thể trong việc phối hợp tạo nguồn hàng bình ổn thị trường tại TPHCM và các tỉnh thành, đã có 28 DN bình ổn thị trường TP đầu tư 47 nhà máy, cơ sở sản xuất, 63 trang trại, cụm trang trại nuôi trồng tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ với tổng vốn đầu tư trên 18.000 tỷ đồng. Hoạt động liên kết, ứng vốn cho nông dân nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm nông sản đạt 3.200 tỷ đồng/năm.
Trong việc phối hợp phát triển hệ thống phân phối xây dựng các chuỗi cung ứng, các DN phân phối lớn của TP đã đầu tư mạnh hệ thống phân phối hiện đại tại chỗ. Tính đến nay các DN TPHCM đã đầu tư 336 siêu thị tổng hợp/chuyên doanh, gần 2.500 cửa hàng tiện lợi/chuyên doanh tại các tỉnh/thành trên cả nước (không tính TPHCM). Ngoài ra các DN bình ổn thị trường lớn như Vinamil, Nutifood, Vissan… đều phát triển mạng lưới đại lý tại khắp các tỉnh/thành trên cả nước.
Về việc phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung – cầu, xúc tiến thương mại, giai đoạn 2016-2020 các DN TP đã tham gia 322 hội chợ triển lãm tại các tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ. Riêng TPHCM đã tạo điều kiện, hỗ trợ DN các tỉnh/thành tham gia 2.766 hội chợ triển lãm được tổ chức tại TPHCM.
Riêng với hoạt động kết nối cung - cầu, từ năm 2012 đến nay Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh/thành tổ chức định kỳ hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá với quy mô ngày càng mở rộng, hàng hoá phong phú. Luỹ kế đến nay đã có 3.193 hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 4.500 tỷ đồng/năm.
Có thể thấy qua 5 năm triển khai thực hiện, chương trình hợp tác thương mại tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TPHCM và các tỉnh thành Đông – Tây Nam bộ.
Bên cạnh những cái được và những thuận lợi, chương trình cũng phải đối mặt với một số khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đi lại, vận tải hàng hoá, giao thương giữa các quốc gia, các địa phương trên cả nước. Điều này sẽ khiến công tác phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng, phối hợp thực hiện bình ổn thị trường giữa các địa phương gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 và thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM khẳng định mở rộng kết nối cung cầu là con đường giao thương tất yếu và quan trọng giúp DN mở rộng thị trường và thị phần, để gia tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất thương mại.
“Qua 5 năm triển khai, chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực thương mại giữa TPHCM và các tỉnh/thành Đông – Tây Nam bộ; tạo điều kiện cho DN liên kết đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, là cầu nối kết nối giao thương, cung cầu hàng hoá, bình ổn thị trường khu vực. Thời gian tới, Sở Công Thương TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh/thành triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp mới để tạo điều kiện cho DN TP và các tỉnh/thành liên kết hợp tác” - ông Vũ chia sẻ.
Lắng nghe những chia sẻ của các DN, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác thương mại đã tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện, đồng bộ góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế của TP nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Đức nhấn mạnh hiện Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội cũng là thách thức cho DN Việt. Chính vì thế việc liên kết phát triển là giải pháp quan trọng nhằm tăng sức cạnh tranh cho DN.
Tại hội nghị, Sở Công Thương TPHCM và các tỉnh thành đã ký kết chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh/thành Đông – Tây Nam bộ giai đoạn 2020 -2025 với nhiều nội dung trọng tâm như trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, thông tin thị trường, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các mặt hàng thế mạnh của địa phương.