![]() |
Việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) nới lỏng tín dụng đối với BĐS thực sự đã trở thành một làn “gió mát” thổi lên thị trường đang ảm đạm.
Dù không hy vọng thị trường sẽ thăng hoa như cách đây vài năm nhưng nhiều doanh nghiệp đã cảm thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Tuy nhiên, những kỳ vọng vào một sự đổi thay tức thời gần như không có.
So với thời điểm NHNN quyết định đưa 4 nhóm BĐS ra khỏi “rổ” phi tín dụng, có thể nói “van” lần này đã rộng mở hơn. Cụ thể, với nhu cầu vốn xây dựng, sửa chữa và mua nhà ở trong khu đô thị hoàn thành trước và sau năm 2012 đều được vay. Trường hợp xây dựng sửa chữa và mua nhà để bán, cho thuê cũng được nới vốn.
Theo các chuyên gia, điều này sẽ có tác động tích cực, khuyến khích nhà đầu tư trở lại thị trường, “giải vây” cho doanh nghiệp, đồng thời tạo động lực cho ngân hàng tiến hành giãn nợ.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào bối cảnh chung của thị trường BĐS hiện nay, những chính sách này chỉ là “liệu pháp tinh thần”, không thể vực dậy thị trường bởi chưa trị đúng bệnh. Cách đây chưa lâu, tại một hội thảo về giải pháp vốn cho các doanh nghiệp BĐS, đại diện của Hiệp hội BĐS Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng dù doanh nghiệp “đói” vốn nhưng mở van tín dụng cho BĐS trong bối cảnh hiện nay sẽ không có tác dụng, bởi những khoản vay đang đến hạn nhưng doanh nghiệp khó có cơ thanh toán.
“Doanh nghiệp đang cần kháng sinh để chữa dứt điểm bệnh cũ, thay vì một đơn thuốc bổ liều cao” - vị này nói.
Không khó để thấy giai đoạn dài phát triển sốt nóng đã để lại cho thị trường BĐS những tàn tích khó xử lý: nhà hoang, dư thừa văn phòng, dư cung, doanh nghiệp không trả được nợ… cần “kháng sinh liều cao” để giải quyết dứt điểm. Vấn đề là khi nợ cũ chưa trả được thì những khoản vay mới đối với doanh nghiệp đều không có nhiều ý nghĩa, chưa kể lãi suất cho vay ở mức cao cũng khiến doanh nghiệp không thể kham nổi.
Đã có nhiều đề xuất giải pháp tháo gỡ bằng cách Nhà nước có cơ chế mua lại, giải tỏa tài sản và khoản vay cũ đối với những doanh nghiệp có lịch sử lành mạnh, có sản phẩm cung ứng đúng nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ đem lại cơ hội mới, giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện vượt qua khó khăn hiện tại.
Bên cạnh đó là khơi dậy niềm tin trong nhà đầu tư như thế nào. Bởi sau giai đoạn dài thua lỗ, động thái của nhà đầu tư là thủ thế nghe ngóng thị trường.
NHNN nới tín dụng là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS. Nhưng nới như thế nào và có những chính sách cụ thể ra sao cho hợp lý, đúng đắn, góp phần đưa thị trường đi đúng hướng, phát triển lành mạnh vẫn là một điều đáng bàn.
Bài học tín dụng năm 2008 vẫn còn đó và nếu vội vàng một lần nữa, thị trường BĐS lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.