Không nên lo lạm phát vì gạo
Hiện nay, trong bối cảnh các nước lo ngại sẽ thiếu lương thực trong đại dịch, cũng như tâm lý người dân muốn đầu cơ tích trữ; hoạt động kinh tế suy giảm, dẫn tới sản lượng giảm, nhiều nước bắt đầu thu gom gạo quy mô lớn.
Đơn cử, Trung Quốc gần đây đã tăng mua gạo gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất sang Trung Quốc hơn 66.000 tấn gạo, đạt trị giá hơn 37 triệu USD, tăng tới gần 600% về lượng và hơn 700% về giá trị so với cùng kỳ 2019).
Trước tình trạng trên, Chính phủ đã yêu cầu xem xét việc tạm dừng xuất khẩu gạo do lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, đặc biệt trong bối cảnh tình hình khô hạn và ngập mặn ở khu vực ĐBSCL khiến sản lượng vụ tới có thể suy giảm.
Tuy nhiên, sau khi tham mưu cho Chính phủ việc tạm dừng xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương lại có công văn gửi Chính phủ với nội dung đề nghị rút lại lệnh cấm xuất khẩu gạo. Nội dung công văn cho thấy dường như bộ này đang phải chịu “sức ép” từ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo và các nhà sản xuất gạo.
Tôi nghĩ lần này các DN xuất khẩu gạo đã đúng, đồng thời qua đó cũng cho thấy việc ban hành chính sách này trong trạng thái vội vã, tùy tiện và bất nhất.
Nhìn lại năm 2008, giá gạo thế giới tăng cao từ đầu năm, đến khoảng tháng 4 và 5 giá tăng dữ dội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 1 tháng, từ tháng 4 sang tháng 5-2008, giá gạo trong nước đã tăng thêm 36%. Giá gạo thế giới cũng tăng chóng mặt và nguy cơ thiếu hụt gạo hiện hữu toàn cầu.
Lúc đó, Việt Nam đã vội vã đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo để bảo vệ thị trường trong nước. Nhưng ngay sau đó, cơn sốt gạo qua đi, mọi việc trở lại bình thường, thậm chí giá gạo lại xuống thấp theo các chu kỳ lên xuống của ngành hàng nông nghiệp.
Giới kinh doanh đánh giá Việt Nam đã đánh mất một cơ hội xuất khẩu gạo với khối lượng lớn và giá rất tốt. Sau này, nhiều chuyên gia cũng đánh giá ở Việt Nam gạo là mặt hàng mà nguồn cung có thể được bổ sung sau 3-4 tháng. Vì thế, việc lo sợ quá mức về thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới đánh mất cơ hội cho cả người sản xuất lúa gạo (nông dân) lẫn nhà xuất khẩu.
Trở lại với câu chuyện tạm dừng xuất khẩu gạo, trong thông báo của Chính phủ có đề cập tới nguy cơ giá gạo tăng cao có thể đẩy lạm phát lên cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô (thực tế điều này đã xảy ra vào năm 2008).
Tuy nhiên, lạm phát phi mã của năm 2008 thực chất bắt nguồn từ chính sách tiền tệ sai lầm vào cuối năm 2007, do không trung hòa lượng USD đã được mua vào ồ ạt trước đó. Nói cách khác, lạm phát tiền tệ là “thùng dầu” tạo nên ngọn lửa lạm phát 2008, không phải giá gạo cao năm đó. Tất nhiên, giá gạo có tăng cao giống như đổ thêm xăng vào thùng dầu đang cháy, nhưng điều quan trọng cần biết là thùng dầu đã cháy mới là cốt tử.
Do đó, năm nay nếu giả sử giá gạo tăng 30% liên tục trong nửa năm, đóng góp của nó vào mức tăng CPI có lẽ chỉ khoảng 1,5%. Đây là con số hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tương đối tốt trong những năm qua (chủ yếu do chính sách tiền tệ chặt chẽ).
Chính sách cần linh hoạt
Chính sách cần linh hoạt
Chính phủ tiếp tục quan sát, theo dõi thị trường và ra những quyết định theo lộ trình. Bởi đây là thời điểm tạo cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp phục hồi trong mùa dịch, cải thiện vị thế của Việt Nam là nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo ra thế giới. |
Cụ thể, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh trong các tháng 4-5, nên chúng ta vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó. Tất nhiên giá trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo.
Nhưng việc tăng giá gạo nội địa lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng, nhưng gạo chỉ chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ.
Nếu đến vụ mùa sau, việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, đặc biệt với tình hình sản lượng giảm do điều kiện thời tiết (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), lúc đó mới cần cân nhắc điều tiết xuất khẩu.
Mấu chốt ở đây là vai trò điều tiết xuất khẩu, còn việc đóng cửa thị trường xuất khẩu là tình huống cực đoan. Bởi xét về nguyên tắc, do sản lượng gạo của nước ta luôn vượt quá cầu trong nước, việc đóng cửa thị trường xuất khẩu thực chất sẽ chắc chắn bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá gạo, nhưng sẽ phải đối phó với vấn nạn xuất khẩu lậu hết sức mãnh liệt.
Với những phân tích trên, theo tôi đóng cửa thị trường xuất khẩu gạo vào thời điểm này có thể hơi vội vàng. Nên chăng, Chính phủ cần tiếp tục quan sát, theo dõi thị trường và ra những quyết định theo lộ trình. Vì thực tế cho thấy, đây là thời điểm đang tạo cơ hội tốt cho không chỉ ngành nông nghiệp phục hồi trong mùa dịch, còn cải thiện vị thế của Việt Nam như một nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo ra thị trường thế giới.