Trong quý I, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến nhiều DN chùng tay trong việc đầu tư mở rộng sản xuất. Nhưng sang quý II, nhận thức được yêu cầu cần phải tái cấu trúc để phát triển sản xuất, nhiều DN đã mạnh dạn tìm hướng đi mới.
Linh hoạt trong kinh doanh
Cuối năm 2010, nhiều DN sản xuất đã dự báo tình hình năm 2011 sẽ rất khả quan, nhưng thực tế trong những tháng đầu năm nay nhiều DN lao đao trước những biến động của thị trường. Tuy vậy, sau cú sốc, nhiều DN đã bình tĩnh nhìn lại những khó khăn để tìm cách khắc phục.
Một số DN trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán bằng USD, do khi bán sản phẩm trong nước, giá bán căn cứ tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước quy định, nhưng khi thanh toán với nhà cung cấp nước ngoài, phải mua USD theo giá thỏa thuận, cao hơn nhiều so với tỷ giá quy định. Nay nhiều đơn vị đã chọn ngoại tệ khác như SGD, EUR để làm tỷ giá thanh toán, đồng thời linh hoạt điều chỉnh giá bán phù hợp với giá USD nhập khẩu theo tỷ giá thỏa thuận để tránh rủi ro trong vấn đề tỷ giá.
![]() |
Ngành sản xuất xe đạp đang có nhiều thị trường tiềm |
Trong sản xuất, các DN tiếp tục đầu tư cho các dự án nâng cao sản lượng. Ông Trịnh Hữu Minh, Tổng giám đốc CTCP In và Bao bì Mỹ Châu, cho biết công ty đang dồn sức thực hiện các dự án đã hoạch định để phát triển thêm sản phẩm mới và gia tăng sản lượng từ dây chuyền sản xuất hiện hữu, mở rộng thị phần và đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Công ty tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang triển khai dang dở, lắp đặt máy móc thiết bị cỡ lớn nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của thị trường.
Ông Dương Duy Việt, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Nhật Tiến, chia sẻ kinh nghiệm: Trong giai đoạn khó khăn, rất nhiều công ty ở nước ngoài phá sản, bán lại máy móc thiết bị với giá rẻ. Tuy nhiên nếu các DN Việt Nam mua lại, chỉ nên mua những thiết bị tiết kiệm điện để giảm bớt chi phí trong sản xuất. Để tránh rủi ro về nguồn cung ứng nguyên liệu làm ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, Nhật Tiến đã tìm nhiều nhà cung cấp nguyên liệu khác nhau để có được mức giá cạnh tranh nhất.
Một số DN sản xuất trong nước cũng cho hay, hiện nay, có rất nhiều nhà cung ứng nguyên liệu nước ngoài mời sử dụng thử nguyên liệu trước khi đặt mua. Các DN đã tận dụng cơ hội này, thử nghiệm sản xuất với những nguyên liệu mới để tìm nguồn nguyên liệu thay thế phù hợp với cơ cấu máy móc hiện tại nhưng giá thành lại rẻ hơn nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng giá bán sản phẩm.
Hướng đến liên kết
Trong tình hình kinh tế khó khăn, các DN đã hỗ trợ nhau nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh, thâm nhập những thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai phá.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhận xét: “Trong tình hình hiện nay, nếu các DN không có sự liên kết sẽ rất khó tạo được sức mạnh vững chắc. Thực tế trong thời gian qua, những sản phẩm của Việt Nam bị ép giá trên thị trường quốc tế đều xuất phát từ nguyên nhân các DN trong nước cạnh tranh, thiếu liên kết nên đã gián tiếp làm giảm giá trị hàng hóa trong nước dù chất lượng vẫn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường các nước. Vì vậy, trong tương lai, các DN nên có tầm nhìn xa hơn, có những chiến lược hoạt động gắn kết giữa DN với nhau, DN với nông dân”.
Ông Nguyễn Hữu Biểu, Tổng giám đốc CTCP Bảo Việt Xanh, cho hay: Hiện nay, có rất nhiều thị trường tiềm năng gần gũi về vị trí địa lý - nhất là Campuchia - đang có thể đón một lượng hàng hóa rất lớn, việc đầu tư xây dựng nhà máy hoạt động ở các nước này cũng tiết giảm được nhiều chi phí.
Tuy nhiên, để thâm nhập thị trường hay đầu tư ở một địa điểm hoàn toàn mới, DN trong nước cần có sự hỗ trợ và liên kết với nhau nhiều hơn. Công ty Bảo Việt Xanh hiện đang có quỹ đất tại Lào và Campuchia, có thể hợp tác với các DN trong nước để mở rộng hoạt động sản xuất trong giai đoạn khó khăn này.