Linh hoạt khai thông dòng vốn

(ĐTTCO) - Những kết quả tích cực từ sự điều hành quyết liệt, đúng hướng của Chính phủ là yếu tố quan trọng để các tổ chức quốc tế từng bước nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam.

Tháng 4-2017, Moody’s nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam và xếp hạng 8 NHTM từ ổn định lên tích cực. Qua đó, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cải thiện hệ số tín nhiệm, tiếp cận thuận lợi nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường tài chính quốc tế. 

Ưu tiên nguồn vốn cho DN sản xuất

 Thời gian qua, NHNN đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá, củng cố lòng tin vào VNĐ, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước tới nay, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho DN phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. 
Hiện nay tỷ trọng dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung, dài hạn toàn hệ thống TCTD chỉ chiếm khoảng 15%, đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống NH.
Tuy nhiên, để tạo nguồn vốn đầu tư, NHNN vẫn đang cho phép các TCTD sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung, dài hạn của DN phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán; nhưng do các thị trường này chưa phát triển, vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống NH.

NHNN cho phép các TCTD được quyết định cho vay vốn bằng ngoại tệ, để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước thực hiện phương án sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng xuất khẩu cần được hỗ trợ đến hết năm 2017. Đồng thời, xem xét xử lý các đề nghị của TCTD về việc cho vay bằng ngoại tệ, nhằm tạo điều kiện cho các DN có nhu cầu sử dụng ngoại tệ được vay vốn phục vụ hoạt động SXKD thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ, mà không làm tăng chi phí của DN.

Các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các DN thuộc một số ngành, lĩnh vực đặc thù, như cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/NĐ-CP; chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay tái canh cây cà phê; cho vay hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai, ngập mặn, sự cố môi trường; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với ngành chăn nuôi lợn...
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới cách thức cấp tín dụng theo hướng có sự chọn lọc ưu tiên phân loại DN, góp phần vào các chương trình tái cơ cấu sản xuất.

Linh hoạt khai thông dòng vốn ảnh 1 Ảnh minh họa. 

Mặt bằng lãi suất tương đối hợp lý

Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9-2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với SXKD, lĩnh vực ưu tiên.  Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay.

Có ý kiến cho rằng một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp. Điều này xuất phát từ các yếu tố: Thứ nhất, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định. Thứ hai, khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch SXKD của DN cao. Thứ ba, hoạt động SXKD của DN không quá phụ thuộc vào tín dụng NH.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho SXKD và phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao, kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, đồng thời thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của DN cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống NH... Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của TCTD. 

Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia 11,9%/năm, Thái Lan 6,3%/năm, Singapore 5,4%/năm, mặt bằng lãi suất cho vay bằng VNĐ của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4%/năm, vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

Điều hành tỷ giá linh hoạt

Năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, điều hành tỷ giá gặp nhiều khó khăn do các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế sau sự kiện Brexit, bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và các chính sách mới của Donald Trump mới đắc cử, FED tăng lãi suất.
Trong nước, cung-cầu ngoại tệ kém thuận lợi, nhập siêu lớn, xu hướng đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế kéo theo các yếu tố đầu cơ, kỳ vọng gia tăng. Tuy nhiên, với việc chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, tỷ giá VNĐ/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1-1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định hơn nhiều so với mức độ biến động khá lớn của các nước trên thế giới và khu vực.
Tỷ giá ổn định đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ xuất khẩu tăng trưởng tốt, giúp cho các DN có một môi trường ổn định, chủ động trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá; đồng thời, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và DN. NHNN cũng đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa dự trữ ngoại hối chính thức đạt mức cao nhất từ trước đến nay; đạt được mục tiêu bước đầu trong việc chống đôla hóa.

Trong thời gian tới, với chủ trương từng bước chống đôla hóa trong nền kinh tế, NHNN tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định, linh hoạt, không để tỷ giá biến động gây tâm lý bất ổn trên thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà xuất khẩu, nhập khẩu, quan hệ vay trả nợ nước ngoài của DN, Chính phủ; đồng thời tiếp tục xem xét, xử lý các nhu cầu vay vốn ngoại tệ ngắn hạn một cách hợp lý để phục vụ hoạt động SXKD thuộc công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa.

Đẩy mạnh liên kết DN-NH

NHNN cũng đã trình Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; trong đó, một trong các giải pháp là trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Khi giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, giúp các TCTD mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, ngành NH tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối NH  - DN trên cả nước với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ DN với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.
Những giải pháp ngành NH đã và đang triển khai cho thấy ngành NH luôn đặt lợi ích của DN trong mối quan hệ với lợi ích của NH, DN phát triển thì NH mới phát triển. Tại Hội nghị kết nối NH - DN đối với 13 tỉnh vùng ĐBSCL ngày 13-5-2017 vừa qua, nhiều DN cũng đã có ý kiến rất khách quan, công tâm, chia sẻ khó khăn với ngành NH; trong đó cũng đã nhìn nhận một trong những nhân tố khiến DN, nhất là DNNVV khó tiếp cận vốn là do năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành của DN còn nhiều yếu kém. 

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN, lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của DN thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp cũng như các kênh thông tin, nhằm kịp thời giải đáp, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, nghiên cứu, chỉnh sửa cơ chế chính sách đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ DN phát triển.

Các tin khác