Theo Cơ quan điều tra, quá trình khám xét nơi ở, nơi làm việc của một số cán bộ chi nhánh Yên Khánh, đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Từ việc kê khống tổng mức đầu tư đã được các cơ quan thanh, kiểm tra phát hiện, đến sự gian lận trong thu phí, và nộp thuế, đang cho thấy lỗ hổng lớn trong giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay Yên Khánh cũng đang trực tiếp thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, từ tháng 3-2013 đến nay, chỉ khác là tại cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Yên Khánh thu phí thuê cho Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), thông qua một hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí.
Và trong hơn 6 năm thu phí thuê trên tuyến cao tốc này, Yên Khánh đã thu phí khoảng 61 lượt triệu phương tiện giao thông. Với những gian lận thuế, phí tại BOT cao tốc TPHCM - Trung Lương, không ai dám khẳng định doanh nghiệp này không gian lận trong phí tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hơn 6 năm qua?
Trạm thu phí BOT trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Với quy trình quản lý, giám sát dự án BOT hiện nay, doanh nghiệp thu phí có nhiều cách để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế. Chẳng hạn, áp dụng công nghệ thông tin can thiệp trực tiếp vào phần mềm thống kê thu phí, qua đó làm giảm lưu lượng xe hàng ngày qua trạm, giảm số phí thu được trên sổ sách, và giảm thuế.
Doanh nghiệp thu phí cũng có thể thuê các công ty lập trình viết phần mềm "đè" lên phần mềm thống kê thu phí hàng ngày, để dễ dàng tạo ra các con số che giấu doanh thu thực của trạm BOT.
Ở góc độ thủ công, từ nhân viên thu phí đến kế toán… hoàn toàn có thể sửa lại tập tin thống kê doanh thu cuối cùng trước khi gửi cho chủ đầu tư, cơ quan thuế. Hoặc nhân viên trạm BOT có thể tự tìm cách thu phí của phương tiện nhưng không nhập vào hệ thống sổ sách.
Tự động hóa hoạt động thu phí BOT là cách phổ biến nhất để minh bạch hoạt động thu phí đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Đài Loan áp dụng. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện phương thức thu phí điện tử tự động không dừng (ETC) đang vấp phải một rào cản thói quen sử dụng tiền mặt của đa số chủ phương tiện lưu thông hiện nay.
Thực tế những năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC thí điểm thu phí ETC trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên. Bộ này cũng đặt ra mục tiêu sẽ vận hành thu phí ETC toàn bộ các làn xe tại các trạm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT vào cuối năm 2019.
Vậy nhưng, tiến độ lắp đặt thiết bị thu phí không dừng tại các trạm BOT và dán thẻ phương tiện lưu thông quá chậm. Tính đến tháng 8-2018, sau 2 năm triển khai, trong số 28 trạm BOT thuộc dự án thí điểm thu phí tự động không dừng, mới vận hành thu ETC tại 2 làn được 24 trạm. Tại hầu hết trạm BOT vẫn áp dụng cả 2 hình thức thu phí ETC và thu phí thủ công bằng tiền mặt.
Công ty TNHH thu phí tự động VETC là đơn vị do CTCP Tasco góp vốn với một số đối tác khác thành lập, với vốn chủ sở hữu khoảng 277 tỷ đồng. Như vậy, VETC là một doanh nghiệp tư nhân nhưng lại được Bộ GTVT chỉ định lắp đặt hệ thống ETC, và cấp thẻ cho các phương tiện tại tất cả các trạm BOT trên cả nước. Đây chính là khúc mắc khiến nhiều chủ đầu tư dự án BOT không muốn hợp tác với VETC.
Đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho rằng không dễ để các nhà đầu tư BOT mang túi tiền của họ giao cho VETC, chỉ nên giao cho VETC đầu tư, lắp đặt thiết bị kiểm soát phương tiện tại các trạm BOT, còn việc dán thẻ cho từng phương tiện các cơ quan quản lý nhà nước phải làm để bảo đảm công bằng, minh bạch. Cụ thể ở đây, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ phải thực hiện cấp thẻ cho các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường BOT.
Từ góc độ người trả phí BOT (chủ các phương tiện giao thông), việc thu phí tự động cũng phải tạo thuận lợi cho họ. Hiện nay, thẻ thanh toán tự động được cấp cho các phương tiện còn nhiều bất cập, chủ phương tiện phải nộp một khoản tiền cố định vào thẻ để thanh toán dần tại các trạm BOT.
Trong khi cần đa dạng sự tiện dụng, tức tích hợp để tất cả các thẻ thanh toán ngân hàng đều có thể thanh toán được tại bất kỳ trạm thu phí BOT nào. Dịch vụ thanh toán trực tuyến tại các ngân hàng hiện nay hoàn toàn đáp ứng được điều này, và cho phép ứng dụng trong thu phí tự động.
Hiện nay Tổng cục Đường bộ là đơn vị trực tiếp giám sát nguồn thu tại các trạm BOT. Vì vậy, để chống thất thoát nguồn thu phí và thu thuế tại các trạm BOT, hoàn toàn có thể lắp đặt hệ thống camera giám sát để truyền dữ liệu trực tiếp từ tất cả các trạm BOT trên cả nước về tổng cục để giám sát việc thu phí.
Nguồn thu từ gần 100 trạm thu phí BOT trên cả nước hàng ngày hiện không nhỏ, và sự thất thoát hoàn toàn có thể xảy ra ở bất cứ trạm nào. Nên trong trường hợp nhà đầu tư tư nhân không tham gia đầu tư hệ thống thiết bị thu phí tự động, hoàn toàn có thể sử dụng ngân sách đầu tư vì lợi ích lâu dài. Chỉ có như vậy mới có thể giám sát được nguồn thu phí, và Nhà nước không thất thu thuế. Với những tiến bộ công nghệ hiện nay, việc làm này không quá khó, vấn đề nằm ở quyết tâm của các đơn vị thực thi.