Cùng với việc cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được phép hoạt động bình thường (không quy định đóng cửa trước 21h hàng ngày) và việc mở lại tuyến phố đi bộ vào cuối tuần, hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có tín hiệu phục hồi trở lại, mặc dù vẫn còn khá thưa vắng.
Các tuyến phố cổ quanh hồ Hoàn Kiếm vốn là nơi buôn bán sầm uất của Thủ đô, sau những chuỗi ngày dài nghỉ dịch vắng lặng, đến nay cùng với các tuyến phố đi bộ được mở cửa trở lại, việc kinh doanh cũng dần hồi phục. Quanh bờ Hồ và các tuyến phố đi bộ xung quanh, du khách bắt đầu đến nhiều hơn. Các cửa hàng đồ ăn nhanh, kem, nước uống giải khát đã mở cửa. Lượng khách đang dần tăng lên, chủ các cửa hàng đều phấn khởi, tin tưởng việc kinh doanh thời gian tới sẽ tốt lên.
Chị Nguyễn Thị Trang, chị Kiều Ly chủ cửa hàng giải khát trên phố Cầu Gỗ cho biết, mở hàng trở lại lượng khách cũng đông nhưng vẫn ít hơn đợt trước dịch nên cửa hàng bán cầm chừng. Giá các loại đồ uống không thay đổi dù giá xăng dầu tăng khiến nhiều mặt hàng tăng theo. “Lượng khách ban ngày ít hơn sau 7 giờ tối. Vào những ngày cuối tuần nơi đây trở thành phố đi bộ nên mọi người qua cửa hàng đông hơn”, chị Trang cho biết.
Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh đồ lụa, đồ trang sức, mỹ nghệ, đồ lưu niệm vốn chiếm số đông ở các khu phố cổ hướng tới đối tượng khách nước ngoài như Hàng Gai, Hàng Trống, Lương Văn Can, Tô Tịch..., phần lớn vẫn đóng cửa vì thưa vắng khách.
Chị Nguyễn Thị Nga - chủ tiệm đồ lưu niệm, đồ lụa phố Hàng Gai cho biết, do vẫn còn ít khách nước ngoài đến Hà Nội nên việc kinh doanh vẫn gặp khó khăn. Tuyến phố này hàng hóa chủ yếu bán cho khách du lịch nhưng giờ dù hoạt động bình thường nhưng vẫn ít khách, phải đợi khi khách du lịch tăng thu nhập mới có thể khá hơn.
Với những gia đình có cửa hàng cũng chỉ mở cho vui và hoạt động cầm chừng. Như chia sẻ của chị Nguyễn Hồng Hạnh, cửa hàng của nhà nên cứ mở ra cho có không khí còn thực chất là không bán được vì hàng hóa đa số là hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, chuyên dành cho khách du lịch nước ngoài.
Theo các chủ cửa hàng, do lượng khách hàng ít nên chọn phương án đóng cửa để tiết giảm chi phí. “Dân của mình rất tinh, cứ khi bán được hàng là ào ào mở cửa. Nhưng giờ mở ra không có người hỏi trong khi lại phải chi phí tiền điện, tiền thuế, tiền nhân viên và bao nhiêu chi phí khác nên thà đóng cửa còn hơn”, 1 chủ cửa hàng trên phố Hàng Gai cho biết.
Trong khi đó, một số cửa hàng khi chưa có khách thuê đã tranh thủ bày bán những mặt hàng dân dụng bình dân cho đỡ lãng phí mặt bằng. Trên các phố cổ thỉnh thoảng lại thấy các cửa treo biển bán hàng may mặc đồng giá 30.000 – 50.000 đồng, điều mà trước đây hiếm thấy. Nhiều gia đình ở mặt phố cổ vẫn trong trạng thái cửa đóng then cài, hoặc treo biển cho thuê. Mặc dù việc buôn bán còn khó khăn, nhưng giá thuê mặt bằng đã tăng trở lại với mức trước khi có dịch.
Chủ một cửa hàng nhỏ cho thuê trên phố Cầu Gỗ cho biết, đã treo biển cho thuê từ năm ngoái nhưng hiện vẫn chưa chốt được khách thuê vì giá thuê khá cao, khoảng 30 triệu đồng/tháng. Một số ít cửa hàng thuê mặt bằng vẫn cố duy trì hoạt động kinh doanh, mặc dù được chủ giảm giá thuê nhưng cũng còn rất khó khăn khi bán hàng chỉ là giải pháp cầm cự.
Không chỉ phố cổ, phố du lịch, người dân mong muốn thành phố có nhiều hoạt động thu hút du khách trong nước và quốc tế để phục hồi, bù đắp lại hoạt động kinh doanh đóng băng hơn 1 năm qua.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Hà Nội: