Năm 2013, Chính phủ đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 6% (thấp hơn lạm phát năm 2012). Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm mới, áp lực tăng giá đã dần lộ rõ khiến việc thực hiện mục tiêu này trở nên rất khó khăn.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2013 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,25% so với tháng 12-2012.
Đáng chú ý có 10/11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa ghi nhận tăng giá từ 0,03-7,4% so với tháng trước. Nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế, tăng tới 7,4%. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đã tăng giá mạnh, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá, trứng, rau xanh, hoa quả, hàng khô… đẩy nhóm ngành này tăng 1,34%, trong đó riêng thực phẩm tăng cao đến 1,96%.
Thực tế ngoài thị trường, giá các mặt hàng như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm tăng rất mạnh, trung bình tăng hơn trước 10-20%.
Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 2-2013 tiếp tục tăng 1,32% so với tháng 1 và tăng 7,02% so với cùng kỳ năm 2012. Mức tăng này khá thấp so với tháng 2 những năm trước (trung bình tăng khoảng 2%) bởi lực cầu trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua khá thấp, trong khi hàng hóa trên thị trường khá dồi dào.
Mặc dù tăng thấp, nhưng nếu cộng cả CPI tháng 2 và tháng 1 thì đến thời điểm này, lạm phát đã tăng khoảng gần 2,6% (bằng 1/4 mức lạm phát của cả năm 2012). Nghĩa là dư địa lạm phát theo kế hoạch chỉ còn khoảng 3,4% chia cho 10 tháng còn lại của năm 2013 - một nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Đáng lo nhất là tại thời điểm này, mặt hàng xăng dầu trong nước đang đứng trước áp lực điều chỉnh giá trong bối cảnh xăng dầu thế giới đang ở giai đoạn cao điểm cầu lớn hơn cung. Theo theo dõi 2 năm gần nay (2011 và 2012) cho thấy giai đoạn khoảng tháng 3 và tháng 4 giá xăng dầu thường lập đỉnh.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang báo cáo lỗ khoảng 1.800-2.000 đồng/lít xăng. Với xu hướng đó, nếu tiếp tục “nén” giá chưa cho tăng, khi giá xăng dầu thế giới lập đỉnh mới điều chỉnh, sẽ gây sốc cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nếu cho tăng giá khoảng 1.000 đồng/lít xăng ở thời điểm này, có thể tác động làm tăng lạm phát khoảng gần 2%. Như vậy, với kịch bản tăng giá xăng này, lạm phát trong 3 tháng đầu năm có thể lên tới 4,5%, gần hết chỉ tiêu của cả năm.
Thực trạng trên đặt ra bài toán đối với cơ quan quản lý cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, kiềm chế lạm phát. Tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm soát giá cả, lạm phát ngay từ tháng 1, quý I-2013, không để tình trạng thiếu hàng, sốt giá, găm hàng, đẩy giá lên cao, phát huy tốt hơn nữa cơ chế về bình ổn giá.
Tuy nhiên, trên thực tế CPI tháng 1 vẫn tăng khá cao, chủ yếu do giá viện phí và dịch vụ y tế tăng. Cụ thể, trong tháng 1 đã có 10 tỉnh thực hiện giá trị dịch vụ y tế mới. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng nhiều nhất với 7,4%, riêng dịch vụ y tế tăng 9,5%.
Rõ ràng, vẫn còn thiếu sự quyết liệt và tính đồng bộ trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát. Vấn đề này cần sớm được khắc phục nếu không muốn “bóng ma” lạm phát trở lại ám ảnh nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tính thời vụ trong việc tăng giá hàng hóa dịch vụ là luôn xảy ra, khó có thể ngăn chặn hoàn toàn. Vấn đề là làm sao để kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất. Do vậy, cần có những giải pháp và lộ trình hợp lý trong việc cải cách giá xăng dầu, điện, than theo hướng thị trường để có thể thực hiện mục tiêu đã đề ra.
Kiên định chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt để kiểm soát kỳ vọng lạm phát là điều cần thiết. Lãi suất đã qua 6 lần cắt giảm liên tục trong năm 2012 được cho là có ảnh hưởng đến khả năng tái bùng phát lạm phát trong năm 2013.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng cảnh báo việc cắt giảm lãi suất nhanh và liên tục của Ngân hàng Nhà nước có thể gây các tác dụng ngược đối với nền kinh tế và khiến những chi phí để khắc phục tác động không mong muốn như lạm phát gia tăng sẽ lớn hơn nhiều lần những thành quả thu được.
Năm 2013 Chính phủ vẫn duy trì mục tiêu ổn định kinh tế, phấn đấu đạt tăng trưởng 5,5%. Để làm được điều này, trước mắt phải bảo lưu được những thành tựu đã đạt được trong năm qua. Vì vậy chính sách điều hành về giá và thị trường tiền tệ thời gian tới cần hết sức thận trọng để kiềm giữ lạm phát, tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô.