Nợ xấu đã bớt xấu?
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các NHTM tăng nhẹ lên mức 1,91% so với mức 1,89% cuối năm 2018. Tuy nhiên, con số nợ xấu tuyệt đối đã tăng khá nhiều, chỉ 17 NHTMCP niêm yết đã có 81.300 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm 54% tổng nợ xấu. Đã có những lo lắng về việc nợ xấu mới phát sinh tăng lên trong khi các NH vẫn còn đang xử lý những khoản nợ xấu cũ. Song báo cáo tài chính quý III-2019 được một số NH công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã giảm lại hoặc có tăng cũng chỉ tăng nhẹ, ít NH ghi nhận mức tăng cao.
6 tháng đầu năm 2019, chỉ 17 NHTMCP niêm yết đã có 81.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 chiếm 54% tổng nợ xấu. |
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của VIB giảm nhanh từ 2,52% xuống còn 2,04%, ACB giảm từ 0,73% xuống còn 0,67%, SeABank giảm từ 1,51% xuống 1,31% so với đầu năm. Nợ xấu hợp nhất của VPBank đang ở mức 3,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,24%; trong đó nợ xấu riêng lẻ VPBank giảm xuống còn 2,45%, nợ xấu của FE Credit cũng giảm từ 6,36% xuống còn 5,21%. VietBank ghi nhận tỷ lệ nợ xấu 1,23%, giảm 0,6% so với cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu của BacABank tiếp tục thuộc nhóm thấp nhất, chỉ ở mức 0,72%.
Một số NH tăng nhẹ nợ xấu gồm Vietcombank với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,07%, tăng 0,98% so với đầu năm. Nợ xấu riêng lẻ của NH mẹ MB ở mức 1,35%, tăng so với con số 1,22% cuối năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của KienlongBank tăng từ 0,94% lên 1,07%.
Tòa nhà Saigon One Tower được VAMC đem đấu giá theo NQ42 nhưng vẫn chưa tìm được nhà đầu tư.
Trong số những NH đã công bố báo cáo tài chính, chỉ có vài NH có tỷ lệ nợ xấu trên mức 3%. Tại ngày 30-9, nợ xấu nội bảng của PGBank là 694 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng nhích tăng từ 2,96% lên 3,07%. Còn ABBank đang có khoản nợ xấu nội bảng là 1.766 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay ở mức 3,39%.
Nếu chỉ tính kết quả xử lý nợ xấu khi Nghị quyết 42 có hiệu lực từ 15-8-2017, tính đến hết tháng 8 năm nay, đã có 236.800 tỷ đồng nợ xấu được xử lý. Trong đó nợ xấu nội bảng đạt 137.000 tỷ đồng, các khoản nợ xấu đang hạch toán nằm ngoài bảng cân đối kế toán đạt 47.970 tỷ đồng và các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt đạt 51.120 tỷ đồng.
Riêng về diễn biến tỷ lệ nợ xấu các NH tăng vào cuối quý II nhưng giảm lại vào cuối quý III, một số ý kiến cho rằng nợ xấu luôn đồng hành cùng các NH và tỷ lệ nợ xấu trong từng thời điểm có thể tăng giảm. Nhưng xét thời điểm 3 năm trở lại đây, diễn biến của nợ xấu tương đối ổn, toàn hệ thống giữ được tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là mức chấp nhận được.
Nhưng vẫn còn gánh nặng
Nhưng vẫn còn gánh nặng
Dù đã có những tín hiệu tích cực như vậy, song cũng phải nói rằng tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ của những NH chỉ tăng nhẹ hoặc giảm trong 9 tháng qua chủ yếu một phần còn nhờ tín dụng tăng cao. Điển hình, Vietcombank tăng trưởng cho vay khách hàng lên đến 12%, đạt 708.095 tỷ đồng. Nhờ vậy, dù tổng nợ xấu vào cuối quý III tăng 491 tỷ đồng so với cuối tháng 6 và tăng 1.402 tỷ đồng (tương đương tăng 22,5%) so với hồi đầu năm lên con số 7.625 tỷ đồng, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ cũng chỉ tăng từ mức 0,98% của đầu kỳ lên 1,08%.
Về phân loại nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đã tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm lên 1.240 tỷ đồng. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng (riêng quý III, nợ nhóm 4 tăng gấp đôi), nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ đồng nhưng chiếm hơn hơn phân nửa tổng nợ xấu. Hay tại MB, 9 tháng năm 2019, nợ xấu tăng 23% so với đầu kỳ, chiếm gần 3.112 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng đến 40%, lên mức 1.345 tỷ đồng. Song tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng từ 1,22% lên mức 1,35%, vì NH tăng trưởng tín dụng đến 11%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số NH khác.
Nợ xấu kéo các NH nhỏ gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro. Quý III, lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro của VietCapitalBank đạt 100 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ) và cả 9 tháng đạt gần 193,7 tỷ đồng (giảm hơn 32% so với cùng kỳ). NH này lại trích lập dự phòng rủi ro khá mạnh với 109,4 tỷ đồng, khiến lợi nhuận 9 tháng chỉ còn ở mức 84 tỷ đồng. Chi phí dự phòng của SeABank cũng chiếm đến 45,5% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Chi phí dự phòng của Kienlongbank trong 9 tháng là 42,5 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ. Sacombank trích 1.684 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro trong 9 tháng, tăng 43%. VIB tăng trích lập 11% lên 519 tỷ đồng…
Theo một chuyên gia tài chính, sở dĩ các NH vẫn còn nặng nợ nhóm 5 hay còn phải trích lập dự phòng cao, vì Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của Quốc hội dù hỗ trợ rất nhiều cho hệ thống NHTM để giải quyết vấn đề nợ xấu, nhưng trên thực tế nhiều NH vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Vừa qua một số NHTM đã tiến hành xử lý mạnh mẽ tài sản đảm bảo. Song dù được quyền tự quyết để bảo đảm quyền lợi cho mình, nhưng thực tế NH vẫn rất khó để áp dụng, vì khi chủ tài sản không có nhu cầu hợp tác với NH thì NH cũng khó phát mãi được tài sản đảm bảo.
Để giải phóng được gánh nặng trích lập dự phòng cần cơ chế mua bán nợ mang tính thị trường. Xây dựng thị trường mua bán nợ xấu tập trung của Việt Nam đã được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19-7-2017 về việc Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, nhưng hiện nay chưa có nhiều biến chuyển. Vì vậy mới đây, phía VAMC đã phải xúc tiến thành lập câu lạc bộ xử lý nợ xấu AMC với sự tham gia của 19 Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (AMC) với mục đích cùng thúc đẩy thị trường mua, bán nợ tại Việt Nam.